Lật ngược thế cờ
Bối cảnh kinh tế khó khăn đang khiến không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ. Trong số các doanh nghiệp còn lại, nhiều doanh nghiệp đã phải nhờ vào các khoản “lợi nhuận khác” để thoát khỏi thua lỗ. Dĩ nhiên, các khoản thu nhập khác này thường không nằm trong trù bị chính thức của doanh nghiệp.
Màn cứu nguy ngoạn mục nhất phải kể đến CTCP Vận tải Biển Việt Nam (VOS). Nếu không có khoản lợi nhuận khác 21,8 tỷ đồng, VOS đã bị lỗ nặng trong quý II/2011 chứ không lãi trước thuế hơn 1 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính của VOS, tính đến cuối tháng 6/2011, công ty lỗ thuần 20,8 tỷ đồng. Nguyên nhân do chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay của VOS đã tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Một số doanh nghiệp như Vạn Phát Hưng (VPH), Vận tải và Thuê tàu Biển Việt Nam (VST)… cũng nhờ khoản lợi nhuận khác mà lật ngược thế cờ.
Ở những doanh nghiệp như Cao su Tây Ninh (TNC), Vận tải Hà Tiên (HTV)… khoản lợi nhuận khác tuy không đóng vai trò quyết định trong việc giúp doanh nghiệp lấy được dấu “dương” cho con số lợi nhuận cuối cùng, nhưng lại chiếm ưu thế và góp phần đáng kể gia tăng lợi nhuận doanh nghiệp. Chẳng hạn, nhờ lợi nhuận khác 9,5 tỷ đồng mà HTV có lợi nhuận trước thuế đạt 12,1 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Hay ở Công ty Phát triển Nhà và Đô thị Idico (UIC), lãi từ kinh doanh chỉ đạt 430 triệu đồng, ghi nhận thêm lợi nhuận khác 1,98 tỷ đồng, LNTT của UIC mới đạt 2,4 tỷ đồng.
|
Trong bối cảnh kinh doanh gặp khó, việc doanh nghiệp xoay xở để có con số lợi nhuận dương có thể xem như một nỗ lực. Tuy nhiên, khi nhìn lại nguồn gốc của lợi nhuận khác, giới phân tích cảm thấy lo hơn mừng.
Thứ nhất, đa phần lợi nhuận khác của doanh nghiệp đều đến từ thanh lý tài sản. Chẳng hạn, lợi nhuận khác của VOS đến từ bán tàu Vĩnh Long. Riêng VST đã ghi nhận 58 tỷ đồng từ bán tàu Phương Đông 1. Với CTCP Vận tải và thuê tàu (VFR), nếu không nhờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản ở 22 Phạm Ngọc Thạch (TP. HCM) thu về 79 tỷ đồng,VFR đã “chết chìm” khi lỗ thuần 41 tỷ đồng. Ở TNC, HRC, lợi nhuận chủ yếu từ thanh lý rừng cao su.
Các doanh nghiệp đã thành công khi dùng tài sản gỡ thế nguy cho mình. Nhưng theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Khối phân tích cổ phiếu CTCK SSI, giới đầu tư có quyền nghi ngại về tính không ổn định của lợi nhuận. Năm ngoái, VOS cũng đã bán tàu Cabon Orient, Đại Long, Đại Hùng. Trước đó, VST từng tống tiễn tàu Phương Đông 2, Hawk One, Far East… Tuy nhiên, liệu các doanh nghiệp có thể bán mãi tài sản để duy trì lợi nhuận?
Theo báo cáo thường niên 2010, VOS đang có đội tàu gồm 28 chiếc. Nhưng nếu VOS lần lượt bán tàu, nhiều khả năng tốc độ đầu tư mới không theo kịp tốc độ bán tàu, dễ dẫn đến kinh doanh bị ảnh hưởng. Bằng chứng trong năm 2011, bên cạnh kế hoạch bán 2 tàu Vĩnh Long và Sông Tiền, VOS có kế hoạch mua thêm tàu nhưng đến giờ vẫn chưa thể thực hiện vì tài chính khó khăn.
Thực tế, lợi nhuận khác đang tạo ra một chân dung không chính xác về doanh nghiệp. Vì thế, theo một chuyên gia, nếu doanh nghiệp dựa nhiều vào lợi nhuận khác và điều này thường xuyên xảy ra, nhà đầu tư có quyền đặt nghi ngờ về ngành nghề chính của công ty. Những khoản lợi nhuận “cứu nguy” cho doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại có thể sẽ là áp lực cho doanh nghiệp trong tương lai. Có không ít trường hợp, doanh nghiệp quý này lãi đột biến nhưng quý sau hoặc cùng kỳ năm sau không thể vượt trội được. Kết quả, con số so sánh trở nên khập khiễng.
Một số doanh nghiệp có lãi khác cao nhưng không giải thích, cũng không có thông tin tiết lộ như trường hợp của HTV càng khiến nhà đầu tư lo âu về vấn đề minh bạch thông tin.
Mặc dù vậy, bà Phương cho rằng, tâm lý nhà đầu tư vẫn thích nhìn con số lợi nhuận ấn tượng. Vì thế, nếu doanh nghiệp đạt lợi nhuận khác trong mối cân xứng với kết quả kinh doanh, đây lại là con số được chờ đợi.