Năm 2017, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã chỉ ra rằng, Việt Nam đã vượt Malaysia trở thành thị trường mang lại lợi nhuận đầu tư lớn nhất cho doanh nghiệp Nhật Bản. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao có tới hơn 70% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Dồn dập đầu tư
Trung tuần tháng 6 vừa rồi, Tập đoàn Sojitz đã mua 95,24% cổ phần của Công ty CP Giấy Sài Gòn với giá 91,2 triệu USD (khoảng 2.000 tỷ đồng). Giấy Sài Gòn hiện là doanh nghiệp sản xuất khăn giấy lớn nhất Việt Nam, với doanh thu hằng năm đến 100 triệu USD.
Việc mua lại Giấy Sài Gòn là thương vụ M&A mới nhất của nhà đầu tư Nhật nối tiếp hàng loạt vụ mua bán công ty Việt mà người Nhật đã thực hiện trong thời gian qua. Các công ty Việt Nam có thương hiệu, giữ vị thế hàng đầu trên thị trường liên tục nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư Nhật.
Trước đó, “người đồng hương” – Tập đoàn Unicharm đã bỏ ra 128 triệu USD để mua 95% vốn điều lệ của Công ty CP Diana. Với Diana, Unicharm vẫn giữ nguyên những giá trị cốt lõi mà các nhà sáng lập Diana đã xây dựng, chỉ tăng thêm tiêu chuẩn chất lượng theo quy chuẩn của Unicharm, đồng thời đẩy mạnh đầu tư cho quy trình sản xuất, nghiên cứu và phát triển. Do đó, Diana vẫn tăng trưởng đều đặn, sản phẩm đa dạng hơn, phân phối tốt hơn, xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới và luôn duy trì vị thế 2 thương hiệu băng vệ sinh dẫn đầu tại thị trường Việt Nam.
Hay một đại gia khác đó là Tập đoàn Dược phẩm Taisho sau khi đã nắm giữ 24,94% vốn điều lệ tại Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG), mới đây tiếp tục chào mua thêm 7,06% cổ phần DHG, mà nếu thành công sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 32%.
Sự có mặt của Taisho – tập đoàn hàng đầu về dược phẩm trên thế giới tại Dược Hậu Giang sẽ đem lại lợi thế kinh doanh rất lớn cho doanh nghiệp này vì Taisho đang chuyển giao công nghệ cũng như gia tăng xuất khẩu và cải thiện quản trị chuỗi cung ứng.
Vào đầu tháng 3/2018, Tập đoàn Takara Belmont cũng đã công bố sáp nhập Công ty CP Ngữ Á Châu (NAC) – doanh nghiệp có tên tuổi trong lĩnh vực mỹ phẩm hóa chất ngành tóc Việt Nam.
Ông Hidetaka Yoshikawa – Tổng giám đốc Tập đoàn Takara Belmont cho biết sẽ giữ lại thương hiệu Ngữ Á Châu và ứng dụng công nghệ Nhật Bản để tăng chất lượng sản phẩm cũng như vạch ra chiến lược biến Công ty thành thương hiệu hóa chất số 1 về làm tóc không chỉ Việt Nam mà còn trong khu vực Đông Nam Á.
Trước đó, Công ty TNHH Hóa chất Sekisui của Nhật Bản đã mua lại 15% số cổ phiếu đang lưu hành của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong; Công ty Tokyo Gas, hãng phân phối gas lớn nhất Nhật Bản đã mua 24,9% cổ phần của Công ty Cổ phần Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam; Công ty sản xuất truyền thông AOI Tyo Holdings đã mua lại 36% cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư VF; Công ty C.P.R International (Nhật Bản) đã mua 15% cổ phần của Tập đoàn Sara Việt Nam với số tiền trả ban đầu 2 triệu USD…
Để hợp tác cùng có lợi
Đánh giá các thương vụ M&A của các công ty Nhật gần đây, ông Takimoto Koji – Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) TP.HCM cho biết, do các nhà đầu tư Nhật nhìn thấy giá trị từ các công ty Việt cũng như tiềm năng kiếm lợi nhuận cao nên đã tích cực góp vốn, thậm chí “mua đứt”.
Trong một khảo sát gần đây của Jetro cho thấy, khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động, là tỷ lệ cao so với các quốc gia khác. Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Lý do chính để doanh nghiệp Nhật mở rộng hoạt động tại Việt Nam là doanh thu tăng khoảng 88%, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi chiếm 65,1%.
Các chuyên gia đánh giá, làn sóng doanh nghiệp Nhật đổ bộ vào thị trường Việt Nam không phải là mới nhưng vẫn có sự tăng lên về quy mô và số lượng, điều này cho thấy sức hấp dẫn lớn của thị trường Viêt Nam. Tuy nhiên, để việc kết nối này thực sự đạt được hiệu quả, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nước ta vẫn còn nhiều việc để làm, bởi với nguồn lực còn hạn chế, các doanh nghiệp Việt Nam rất dễ bị lép vế và chịu thiệt khi được doanh nghiệp nước ngoài mua bán cổ phần, thêm vốn đầu tư.
Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam có một số điểm yếu như tính minh bạch, chất lượng dịch vụ công, hạ tầng còn thấp làm hạn chế sự lan tỏa; ngoài ra, sự liên kết còn yếu do về phía doanh nghiệp nội chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, trình độ công nghệ và khả năng hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt còn hạn chế. Chính vì thế, doanh nghiệp và các chuyên gia đều mong muốn Nhà nước bên cạnh chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài cần có chính sách giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực để có thể hợp tác “đôi bên cùng có lợi” với các doanh nghiệp nước ngoài.