Nhiều cổ đông cho rằng, ITD không chú trọng vấn đề cung cấp thông tin cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và trên cả trang web của Công ty. Điều này khiến nhà đầu tư rất khó nắm rõ về hoạt động kinh doanh hay chiến lược của Công ty.
Trong khi đó, có doanh nghiệp cùng lĩnh vực với ITD thực hiện công tác quan hệ nhà đầu tư (IR) rất tốt, một số mảng đấu thầu, đấu giá có thể bảo mật, nhưng các hoạt động khác thì kịp thời công bố thông tin.
Ý kiến của cổ đông một phần do bất ngờ trước những dự án mà ông Lâm chia sẻ ngay khi mở đầu đại hội, trong đó có dự án đang trong thời gian đấu thầu mà ITD liên doanh với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel).
Cụ thể, dự án đầu tiên là dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 của Bộ Giao thông Vận tải, Liên danh Viettel – ITD đang có khả năng trúng thầu cao nhất. Tổng vốn đầu tư ở dự án này là 1.800 tỷ đồng, nhưng ITD dự định chỉ góp 1% vốn.
Theo ông Lâm, ITD tham gia là để cùng phối hợp quản lý, triển khai dự án, ước khối lượng công việc là 20% tổng dự án. Dự kiến, tháng 9 tới sẽ có kết quả đấu thầu.
Theo định hướng đến năm 2020 của ITD, lĩnh vực giao thông thông minh vẫn là mũi nhọn và đóng góp phần lớn vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Bà Doãn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị ITD cho biết, lĩnh vực viễn thông tin học dự kiến sẽ có kết quả khả quan do Công ty tích hợp phát triển cả phần cứng và phần mềm.
Trong 4 lĩnh vực của Công ty là điện – tự động và đo lường (EC&I), viễn thông – tin học (ICT), giao thông thông minh (ITS), hạ tầng kỹ thuật điện (ETI) thì ITS vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu do giá trị hợp đồng lớn. Tuy nhiên, ông Lâm cho hay, với những hợp đồng này, phần đầu tư nhiều nhưng tốc độ thu về doanh thu và lợi nhuận tương đối chậm và kéo dài nhiều năm.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Thuận, Giám đốc kinh doanh Ban ITS, thành viên Hội đồng quản trị ITD, trong số các dự án đã được hoàn thành như Dự án hiện đại hóa trung tâm điều hành vận tải đường sắt Việt Nam (VNR); Dự án trạm thu phí tự động sử dụng công nghệ DSRC và hệ thống biển báo điện tử cho hệ thống giao thông thông minh thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Nam, đoạn TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; Dự án trạm thu phí Quốc lộ 1 và Đường Hồ Chí Minh…, hầu hết các dự án vẫn còn 5 – 20% doanh thu chưa thu về và sẽ được ghi nhận tiếp trong năm nay.
Bà Ngọc cho biết, với các dự án mà ITD liên doanh cùng Viettel, Công ty sẽ kinh doanh giải pháp, kinh doanh dịch vụ. Đây là chiến lược, là bước đi mới của ITD nhằm tăng khả năng cạnh tranh cũng như góp phần tăng doanh thu cho Công ty, thay vì chỉ dừng lại ở việc sản xuất, phát triển các sản phẩm.
Năm 2017, doanh thu của ITD sụt giảm, chỉ bằng một nửa so với năm 2016, theo bà Ngọc, chủ yếu là do Công ty để vuột mất một dự án lớn. Theo báo cáo riêng, doanh thu Công ty mẹ chỉ đạt 160,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 28 tỷ đồng.
Ông Lâm cho biết thêm, một số dự án mà Công ty nhắm tới bị ngừng đấu thầu bởi lý do khách quan từ chính sách như triển khai dự án giao thông thông minh với công nghệ của Nhật, dự án hệ thống xe buýt nhanh của TP.HCM.
Doanh thu và lợi nhuận năm 2017 của ITD đạt lần lượt 55% và 72% kế hoạch. Năm 2018, ITD đặt kế hoạch doanh thu 530 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 33,5 tỷ đồng, đều bằng 71% kế hoạch năm trước.
Giải thích về kế hoạch năm nay, bà Ngọc cho biết, vì tính chất rủi ro cao ở sự thành công trong các hợp đồng đấu thầu, nên ITD đã đưa ra kế hoạch cẩn trọng.
Cổ tức năm 2017 vẫn chưa được đại hội ITD thông qua. Phần lớn cổ đông cho rằng, phương án chia cổ tức tỷ lệ 15% bằng tiền mặt do Hội đồng quản trị đề xuất là thấp, nhưng 2 phương án bổ sung là cổ tức 20% bằng tiền mặt và 20% gồm 15% bằng tiền mặt, 5% bằng cổ phiếu cũng không chiếm được tỷ lệ đồng thuận cao. Do đó, Ban lãnh đạo ITD quyết định sẽ thảo luận lại về vấn đề này.