Có hai luồng ý kiến trong dư luận. Một bên cho rằng Petrolimex đã lãi đậm hai năm 2008-2009 và sẽ tiếp tục lãi trong năm sau. Phía khác nhận định tổng công ty sau cổ phần hóa vẫn là công cụ điều tiết giá xăng dầu của Nhà nước nên khó tự chủ kinh doanh, lợi nhuận bấp bênh.
Có thể vì sự chưa rõ ràng đó cộng với lượng cổ phiếu mang ra IPO quá ít, tổng cộng 27,4 triệu cổ phần (so với 66 triệu cổ phần bán ra công chúng mới đây của Tổng công ty Thép, 64,5 triệu cổ phần của Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL MHB), nên lượng đăng ký mua cổ phiếu Petrolimex đã lên tới 30 triệu. Như vậy, “tiến bộ” hơn phần lớn các doanh nghiệp IPO từ đầu năm đến nay mang tiếng ế, cổ phiếu Petrolimex sẽ được bán hết. Liệu sự “bán hết” ấy có ý nghĩa thay đổi cục diện cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn bây giờ?
Đột phá từ cũ đến… cũ!
Tiến trình cổ phần hóa, chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần trong 20 năm qua đã trải qua sáu nghị định: 28, 44, 64, 187, 109 và mới nhất là Nghị định 59 ban hành ngày 18-7-2011. Trong cả một dãy dài văn bản pháp lý đó, phương thức bán cổ phần bao gồm đấu giá công khai và thỏa thuận. Theo nghị định 59, giá bán thỏa thuận cho đối tác chiến lược trước hoặc sau khi IPO là giá thỏa thuận giữa bên mua – bên bán, nhưng không thấp hơn giá khởi điểm đã được Nhà nước phê duyệt. Tương tự, nếu việc bán cổ phần có tổ chức bảo lãnh phát hành, thì giá bảo lãnh phát hành cũng không được thấp hơn giá khởi điểm. Trước đó giá bán thỏa thuận hoặc bảo lãnh phát hành được quy định không thấp hơn giá đấu giá bình quân thành công.
Từ giá đấu giá bình quân thành công đến giá khởi điểm đã có một khoảng cách. Về lý thuyết khoảng cách này có thể lớn gấp đôi gấp ba thậm chí gấp nhiều lần giá khởi điểm. Nhưng thực tế lại khác. Mười bốn cuộc đấu giá từ đầu năm đến nay của các doanh nghiệp cổ phần hóa, đa số không bán hết lượng cổ phần chào bán, và giá chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn vài chục đồng giá khởi điểm. Mà giá khởi điểm hầu hết bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Những thí dụ đáng buồn: Công ty Thủy điện Đa Nhim chỉ bán được 75.500 trong số 105,6 triệu cổ phiếu chào bán. Tỷ lệ này của Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TPHCM (HDBank) là 200 (hai trăm)/3,68 triệu cổ phần; Tổng công ty Thép 39,1 triệu/66 triệu cổ phần; MHB 17,9 triệu/64,5 triệu cổ phần. Tổng cộng từ đầu năm mới có 96,2 triệu cổ phiếu bán được qua đấu giá, thu được 1.044 tỉ đồng.
Làm sao có thể thu hút người mua với giá bằng mệnh giá trong khi trên sàn niêm yết có hàng trăm cổ phiếu giá dưới mệnh giá mà hiệu quả kinh doanh tốt hơn các đơn vị cổ phần hóa cùng quy mô, ngành nghề? Làm sao có thể bán cổ phiếu Thủy điện Đa Nhim với giá 10.200 đồng trong khi 90% các cổ phiếu thủy điện, nhiệt điện trên sàn có giá 5.000-9.000 đồng? Giá khởi điểm đấu giá đang tỏ ra lỗi thời với giá thị trường của cổ phiếu.
Tuy nhiên, từ góc độ cơ chế, giá khởi điểm không thể thấp hơn mệnh giá. Từ trước đến nay, theo cơ chế cổ phần hóa, mệnh giá là mức thấp nhất, là giá xuất phát của IPO. Làm sao có thể thấp hơn mệnh giá được? Chuyện này là không thể! Thế nhưng điều đó lại đang diễn ra hàng ngày trên sàn Hose và Hnx! Nói thế để thấy rằng cái cần đột phá không phải là giá khởi điểm hay giá đấu giá thành công bình quân khi doanh nghiệp bán thỏa thuận, tìm đối tác chiến lược. Cái cần đột phá để chuyển từ cũ sang mới, chứ không phải từ cũ đến… cũ, là xác định giá trị doanh nghiệp và áp dụng cách thức bán theo giá thị trường. Đã phải mất nhiều năm Việt Nam mới chuyển đổi được chiến lược xuất khẩu từ bán cái chúng ta có sang bán cái thị trường thế giới cần. Cổ phần hóa cũng vậy, hiện nay không phải lúc mang ra bán những thứ ta có đơn thuần, mà phải bán những thứ thị trường cần.
Vực dậy chứng khoán để cổ phần hóa
Thị trường tài chính đang cần gì từ tiến trình cổ phần hóa?
Cho đến giờ lãnh đạo các đơn vị cổ phần hóa đều nói việc IPO của họ là thành công dù không bán hết số lượng cần bán. Chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp nhấn mạnh: “Ở thời điểm này bán được 1% cổ phần cũng quí vì quan trọng là chuyển được doanh nghiệp thành công ty cổ phần, hoạt động theo cơ chế mới, quản trị công ty mới, nên sẽ hiệu quả hơn”.
Điều đó có thể đúng với những doanh nghiệp nơi Nhà nước không còn nắm giữ cổ phần chi phối. Song với những công ty Nhà nước còn sở hữu trên 51%, thậm chí gần 95% như Petrolimex, kỳ vọng một cơ chế điều hành, quản trị mới có là quá viển vông?
Petrolimex có kế hoạch giảm vốn nhà nước xuống 75%. Nhiều doanh nghiệp khác cũng thế. Vấn đề không chỉ là giá bán (được Nhà nước ấn định) như đã nói ở trên mà là cách thức bán và thời điểm bán. Lối suy nghĩ vẫn cổ phần hóa trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang vô cùng khó khăn để tái cơ cấu doanh nghiệp quốc doanh cần phải được nhìn nhận lại.
Thứ nhất IPO trong thời điểm này chỉ bán được số lượng thấp, không đủ để thay đổi cơ cấu chủ sở hữu vốn của doanh nghiệp. Cổ phần hóa cần dẫn đến thay đổi nội dung chứ không phải chỉ hình thức một doanh nghiệp. Thứ hai việc bán cổ phần hiện nay không mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước, mà cụ thể là số tiền Nhà nước thu về không bao nhiêu. Hơn 4-5 năm trước, ngân sách nhà nước có thể thu được hàng ngàn tỉ đồng từ IPO một doanh nghiệp, nay bán tới 14 đơn vị mới được 1.000 tỉ đồng. Đã vậy người mua còn chê, chỉ mua một tỷ lệ nhỏ.
Vài phần trăm cổ phần bán được ở các đơn vị cổ phần hóa, do đó, không thể kích thích thị trường chứng khoán chuyển động về hướng tích cực. Nó cũng không thể đẩy thị trường tài chính phát triển bền vững. Không ai mang hàng ra bán dồn dập khi thị trường không có người mua, khi mà mọi dòng vốn, từ cá nhân đến tổ chức, từ nội địa đến nước ngoài, đều co về cố thủ. Thay vì ngồi chờ người mua đến, hãy tiếp thị món hàng, hãy tìm đến người mua. Một trong những phương thức tiếp thị tốt nhất, thu hút người mua nhanh và đông đảo nhất là vực dậy thị trường chứng khoán. Nhìn ra điều này, điểm nhấn đầu tiên cần khởi động lại cho cải cách doanh nghiệp nhà nước phải bắt đầu từ chứng khoán.