Phiên đấu giá đã có 3 nhà đầu tư tham dự, với tổng khối lượng đăng ký mua hơn 1 triệu cổ phần (chỉ bằng gần 1/5 khối lượng cổ phần chào bán). Giá đặt mua cao nhất và giá đặt mua thấp nhất đều bằng với mức giá khởi điểm 12.500 đồng/cổ phần.
Kết quả đấu giá cho thấy chỉ 18% số cổ phần tương ứng đưa ra đấu giá đã được bán cho 3 nhà đầu tư, với giá bình quân là 12.500 đồng/cổ phần. Theo đó, INBID thu về hơn 12 tỷ đồng.
Sở dĩ INBID chỉ bán được 18% số cổ phần chào bán một phần do tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này chưa mấy sáng sủa.
Về mặt hoạt động kinh doanh, theo báo cáo phương án cổ phần hóa của INBID, năm 2017, Công ty đạt tổng doanh thu 99,8 tỷ đồng, chủ yếu từ các hoạt động in tổng hợp và bao bì; giai đoạn từ 2015-2017, tổng doanh thu INBID không có nhiều thay đổi. Lợi nhuận sau thuế của INBID trong năm 2017 là gần 9,3 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 31/12/2017, INBID có tổng tài sản gần 99 tỷ đồng; tài sản ngắn hạn là 83,3 tỷ đồng, chiếm 84% tổng tài sản. Công ty không có nợ dài hạn và nợ vay tài chính, nợ ngắn hạn của INBID là 26,9 tỷ đồng.
Sau cổ phần hóa, INBID đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt doanh thu thuần 150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 12,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 53% và 33% so với năm 2017. Riêng 2018 và 2019, công ty chỉ đặt mục tiêu lãi vỏn vẹn hơn 4 tỷ đồng và 8 tỷ đồng.
Được biết, INBID tiền thân là Xí nghiệp In Sông Bé được thành lập từ năm 1988. Sau các lần sáp nhập rồi tổ chức lại, ngày 29/09/2017, INBID được thành lập, chuyển đổi từ Nhà máy in Bình Dương, thuộc sở hữu 100% của Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết Bình Dương. Tính đến trước cổ phần hóa, INBID có vốn điều lệ 90 tỷ đồng.
INBID hoạt động trong lĩnh vực in ấn tổng hợp và bao bì. Thị trường vé số và bao bì chiếm 70% doanh thu hàng năm. Công ty nằm trong nhóm 10 nhà in lớn, là đối tác chiến lược của Nhà Xuất Bản Giáo dục về in sách giáo khoa.