CMT: Hủy niêm yết để tập trung tái cơ cấu
Sau 8 năm niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), mới đây, Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Công nghệ mạng và Truyền thông (CMT) đã tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc hủy niêm yết tự nguyện và đăng ký giao dịch cổ phiếu CMT trên UPCoM, với lý do tập trung cho tái cơ cấu.
Chủ trương này đã được HĐQT CMT thông qua tại Nghị quyết HĐQT công bố giữa tháng 7/2018. Giá cổ phiếu CMT từ đó đến nay giảm hơn 23%, từ mức 10.500 đồng/CP xuống 8.000 đồng/CP (24/8), dù tại thời điểm 30/6/2018, giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu đạt 20.277 đồng.
CMT thành lập năm 2003 với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng. Công ty đã tăng vốn điều lệ lên 80 tỷ đồng vào cuối năm 2009. Kể từ khi niêm yết năm 2010, mức vốn điều lệ này giữ nguyên cho đến nay, nhưng thị giá cổ phiếu giảm hơn 80%.
Trong lịch sử niêm yết của CMT, cổ đông chỉ được nhận cổ tức bằng tiền 1 lần vào năm 2011. Dù hoạt động kinh doanh có lãi, nhưng phần lớn lợi nhuận được CMT giữ lại với lý do để tái đầu tư sản xuất.
Doanh thu các năm 2013 – 2015 tăng so với 2 năm trước đó, nhưng gần đây có diễn biến giảm, từ 488 tỷ đồng năm 2015 xuống 391 tỷ đồng năm 2017.
Lợi nhuận giai đoạn 2013 – 2017 chỉ dao động quanh mức 8 tỷ đồng/năm. Câu hỏi được một số cổ đông nhỏ đặt ra là liệu nguồn tiền giữ lại có thực sự được doanh nghiệp đầu tư một cách hiệu quả?
Không có cổ tức, giá cổ phiếu không tăng, giờ đây cổ đông nhỏ lẻ của CMT lại đón nhận thông tin sẽ chuyển sang sàn UPCoM. Sàn này có yêu cầu về công bố thông tin không cao, rất có thể CMT sẽ lơ là hoạt động công bố thông tin để tập trung tái cơ cấu, khiến giá cổ phiếu tiếp tục giảm.
Do đó, nhiều cổ đông nhỏ lẻ đang băn khoăn, nên giữ lại hay bán ra cổ phiếu?
CCM: Chủ tịch và người liên quan sở hữu hơn 66%
Một cổ phiếu đã rời sàn niêm yết của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vào cuối tháng 6/2018 với lý do tái cơ cấu doanh nghiệp là CCM của Công ty cổ phần Khoáng sản và Xi măng Cần Thơ.
Sau đó, CCM đưa cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM vào ngày 6/7 với giá tham chiếu 18.200 đồng/CP, bằng với giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên HNX.
Đáng chú ý, trong 2 tuần giao dịch cuối cùng trên HNX, cổ phiếu CCM “lao” từ mức 32.400 đồng/CP xuống 18.200 đồng/CP. So với gần 1 năm trước, giá giảm 66%, từ mức 53.230 đồng/CP trong tháng 9/2017 (giá đã điều chỉnh).
Cổ phiếu này giảm giá trong bối cảnh hoạt động kinh doanh vẫn tăng trưởng, trong đó năm 2017 tăng đột biến, doanh thu tăng gấp đôi và lợi nhuận sau thuế tăng gấp 3 so với năm 2016.
Trên sàn mới, cổ phiếu CCM gần như mất thanh khoản, giá tham chiếu hiện là 25.500 đồng/CP.
Năm 2018, CCM đặt kế hoạch tăng trưởng 24% về doanh thu và 33% về lợi nhuận trước thuế; trong đó, 6 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành lần lượt 56% và 67% chỉ tiêu kế hoạch năm.
Nếu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay, P/E dự phóng của cổ phiếu CCM chỉ khoảng 3 lần. “Cửa tăng” cho cổ phiếu của CCM là rộng mở khi giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu tại thời điểm 30/6/2018 là hơn 37.700 đồng, gấp rưỡi thị giá hiện nay.
Trong bối cảnh giá cổ phiếu giảm mạnh, để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ là biện pháp được nhiều doanh nghiệp sử dụng. Với CCM, HĐQT dự kiến mua lại 1,8 triệu cổ phiếu, với giá tối đa 25.000 đồng/CP.
Được biết, trong biên bản biểu quyết thông qua việc hủy niêm yết, có gần 15% cổ phần của cổ đông nhỏ không đồng ý, nhưng không đủ sức để “giữ chân” CCM ở lại sàn.
Trong cơ cấu cổ đông lớn của CCM, có ông Thái Minh Thuyết, Chủ tịch HĐQT và người có liên quan là bà Nguyễn Thị Út Em, thành viên HĐQT CCM, đồng thời là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thái Hưng – tổ chức nắm giữ 18,24% vốn tại CCM.
Tổng cộng cổ phần của ông Thuyết và các cổ đông có liên quan nắm giữ là trên 66,2% vốn điều lệ CCM. Để mua được 30% lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ, CCM sẽ phải mua lại từ 2 cổ đông lớn khác là ông Phan Hoàng Tuấn (sở hữu 6,89%) và Sadico Cần Thơ (sở hữu 5,1%).
KHA: Hủy niêm yết để cải thiện thanh khoản
Cách đây hơn 1 năm, Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (KHA) trình kế hoạch hủy niêm yết trên HOSE và đăng ký giao dịch trên UPCoM. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, nhiều cổ đông nhỏ lẻ cho rằng, đây là hành động “đi lùi” của Ban lãnh đạo KHA.
Lý do hủy niêm yết lúc đó được nhóm cổ đông đề xuất chủ trương chuyển sàn đưa ra là nhằm cải thiện thanh khoản cho cổ phiếu.
Tuy nhiên, lý do này không thuyết phục hầu hết cổ đông nhỏ lẻ và cả một số nhà đầu tư lớn, vì thanh khoản trên hai sàn niêm yết được đánh giá cao hơn sàn UPCoM. Thực tế, sau khi chuyển sang giao dịch trên UPCoM, thanh khoản của cổ phiếu KHA vẫn không mấy cải thiện.
Cùng với kế hoạch hủy niêm yết, KHA lên kế hoạch mua 4,2 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương gần 30% vốn điều lệ.
Với mức giá giao dịch bình quân 34.317 đồng/CP, KHA chỉ mua được hơn 3,8% lượng cổ phiếu đăng ký, bởi khối lượng đặt bán rất ít và/hoặc mức giá đặt bán cao.
Trong khoảng 3 tháng trở lại đây, giá cổ phiếu KHA có diễn biến hồi phục. Mới đây, một cổ đông lớn của KHA, với tỷ lệ sở hữu 7%, đăng ký bán ra toàn bộ số cổ phần, sau đợt bán không thành công trong tháng 7.
Thực tế, để doanh nghiệp có động lực và điều kiện phát triển, trong đó tiếp cận được nguồn vốn dài hạn, nâng cao năng lực quản trị, thì con đường niêm yết gắn liền với tính minh bạch là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp niêm yết, ban lãnh đạo cho rằng, các nghĩa vụ của doanh nghiệp niêm yết như là một “gánh nặng”, nên muốn hủy niêm yết. Không ít ý kiến cho rằng, quyết định hủy niêm yết chỉ là cách để một nhóm cổ đông lớn có cơ hội đạt được mục đích riêng.
Khi không còn niêm yết, doanh nghiệp lơ là công bố thông tin, giá cổ phiếu và thanh khoản sụt giảm, các cổ đông nhỏ lẻ có thể buộc phải bán ra cổ phiếu và đó là lúc các cổ đông lớn thâu mua giá rẻ.