Tuy vậy, trên thực tế việc huy động vốn qua phát hành DR vẫn chưa thể tạo thành “trào lưu” cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với những bất ổn của nền kinh tế hiện nay thì nhà đầu tư quốc tế càng thận trọng hơn khi rót vốn vào Việt Nam.
Gập ghềnh đường phát hành DR
Theo báo cáo “Depositary Receipts – Year in Review 2010″, JP Morgan ước tính số vốn được huy động qua kênh phát hành DR trong năm 2010 toàn cầu lên tới 1.100 tỉ đô la Mỹ. Cũng trong báo cáo này, JP Morgan đánh giá tiềm năng huy động vốn qua DR của các doanh nghiệp Việt Nam khá sáng sủa.
Vừa qua, sự kiện doanh nghiệp trong nước là Hoàng Anh Gia Lai phát hành thành công 24,3 triệu DR huy động hơn 60 triệu đô la Mỹ trên thị trường vốn quốc tế đã mở cánh cửa đầu tiên. Nhưng từ đó đến nay, huy động vốn quốc tế thông qua con đường này vẫn gặp không ít khó khăn.
Quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam sau 11 năm phát triển còn tương đối nhỏ với vốn hóa chỉ 30-40 tỉ đô la Mỹ. Các doanh nghiệp có vốn hóa 1 tỉ đô la Mỹ chỉ đếm trên đầu ngón tay và phần lớn các doanh nghiệp niêm yết có số vốn dưới 1.000 tỉ đồng. Tính đến cuối tháng 9-2011, thị trường mới có khoảng 20 doanh nghiệp có vốn hóa lớn hơn 5.000 tỉ đồng. Trong khi đó, để được các nhà đầu tư nước ngoài để mắt thì quy mô doanh nghiệp phải từ 300 triệu đô la Mỹ trở lên. Với hiện trạng đó, chứng khoán Việt Nam khó hấp dẫn được các nhà đầu tư quốc tế.
Hơn nữa, sự minh bạch trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải. Hiện tượng doanh nghiệp chậm công bố thông tin hoặc không giải trình một cách đầy đủ về các hoạt động diễn ra khá phổ biến. Nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về chuẩn mực kế toán, kiểm toán theo tiêu chuẩn quốc tế.
Khung pháp lý quy định cho việc phát hành DR đối với doanh nghiệp Việt Nam đến nay vẫn đang trong giai đoạn xây dựng. Việc Hoàng Anh Gia Lai phát hành thành công được xem là một trường hợp đặc biệt. Bởi trong khoảng thời gian đó, cùng với Hoàng Anh Gia Lai còn có Công ty cổ phần tập đoàn Masan và Ocean Bank cũng tìm cách huy động vốn bằng con đường này nhưng đến nay họ vẫn đang còn chờ ý kiến của các cơ quan quản lý.
Một trong những rào cản đối với dòng vốn nước ngoài còn là tình hình vĩ mô trong nước. Hiện nay dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam đang chững lại do những bất ổn vĩ mô như lạm phát cao, nợ xấu ngân hàng tăng, tỷ giá thiếu ổn định, tăng trưởng kinh tế chậm lại, định mức tín nhiệm giảm… Khắc phục những bất ổn trên hoàn toàn không dễ dàng và cần có thời gian. Trong khi đó, đây là những điều kiện tiên quyết để các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn để đầu tư vào một quốc gia nào đó.
Giải pháp khơi dòng vốn DR
Trong giai đoạn hiện nay, thu hút vốn qua phát hành DR được xem là con đường phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam vì nó giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian. Đây cũng là một hình thức quảng bá hiệu quả khi doanh nghiệp muốn vươn ra thị trường quốc tế.
Tuy nhiên con đường không trải thảm đỏ, để huy động được vốn cần sự nỗ lực của doanh nghiệp cũng như từ phía cơ quan nhà nước.
Trước mắt, các doanh nghiệp cần phải minh bạch về mặt quản trị, minh bạch trong báo cáo tài chính. Chỉ có sự minh bạch mới tạo nên sức hấp dẫn của các doanh nghiệp. Tính thanh khoản cũng là một yếu tố quan trọng đối với quyết định của các nhà đầu tư quốc tế. Do vậy, trước hết doanh nghiệp phải nỗ lực xây dựng thương hiệu để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và tạo nên tính thanh khoản cho cổ phiếu niêm yết trong nước.
Về phía các cơ quan quản lý, các văn bản chính thức tạo khung pháp lý cho các doanh nghiệp phát hành DR cần sớm được ban hành. Khung pháp lý này phải đưa ra được các điều kiện cụ thể về quy mô vốn, quản trị công ty… đáp ứng tiêu chuẩn niêm yết hay phát hành DR trên thị trường chứng khoán quốc tế.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán cũng quy định các điều kiện cụ thể về chế độ công bố thông tin, báo cáo tài chính nhằm tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, dòng vốn huy động được từ việc phát hành DR cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Một khi quy mô của DR trở nên quá lớn thì sự kết nối giữa thị trường tài chính Việt Nam và thế giới sẽ chặt hơn. Trong tình huống thị trường chứng khoán toàn cầu gặp bất ổn, hoặc các nhà đầu tư quốc tế mất lòng tin vào Việt Nam có thể xảy ra tình trạng bán tháo cổ phiếu hoặc các chứng chỉ lưu ký, tạo ra những bất ổn cho thị trường.
Ngoài ra, rủi ro khác là việc doanh nghiệp và cơ quan quản lý không biết chính xác ai là người thực sự sở hữu DR cho nên không thể dự báo được động thái của của những “nhà đầu tư giấu mặt”.