Nghị quyết 35 của Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Thế nhưng, mục tiêu này cũng khó đạt được khi số DN “chết yểu” luôn “bám sát” số DN mới thành lập. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 64.531 DN thành lập mới, thế nhưng số DN phá sản, ngừng hoạt động cũng lên tới 59.432 DN.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá số lượng DN rời bỏ thị trường vẫn cao, điều này một lần nữa cho thấy việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng.
Đáng chú ý, hiện quy mô DN đa phần là nhỏ và siêu nhỏ. Tiềm lực tài chính hạn chế, kéo theo việc đầu tư đổi mới công nghệ, đầu tư trang thiết bị, máy móc để phát triển sản xuất, kinh doanh cũng bị hạn chế. Trong khi trình độ quản trị, chất lượng nguồn nhân lực cũng yếu. Tất cả những điều đó khiến năng lực cạnh tranh của các DN trong nước là rất yếu ớt ngay trên “sân nhà” chứ chưa nói gì đến các đấu trường quốc tế.
Đó cũng là lý do trong vài năm trở lại đây, nhiều DN Việt Nam đã phải “bán mình” hoặc bán cổ phần cho các DN nước ngoài. Tuy nhiên, những hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) chủ yếu diễn ra ở các DN lớn, có thương hiệu hoặc có thị trường truyền thống lâu đời.
Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, sự lấn sân của DN ngoại khiến ngay cả những DN nội có thế mạnh về thương hiệu cũng bị “lép vế”. Không phải DN nội không chịu phát triển để cạnh tranh nhưng bên cạnh những yếu kém nội tại, vẫn còn nhiều rào cản về mặt chính sách chưa được tháo gỡ để DN phát triển.
Nghị định 109 về xuất khẩu gạo là một điển hình tạo rào cản cho DN xuất khẩu bởi điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo rất ngặt nghèo. Theo đó, quy định có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; phải xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tục mới được cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo… Từ khi Nghị định 109 có hiệu lực, từ hơn 2.000 DN được xuất khẩu gạo nay giảm xuống còn hơn 100 DN được cấp phép.
Trong bối cảnh đó, theo bà Hạnh, DN cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng mới có thể nắm bắt được các cơ hội, cũng như hóa giải khó khăn của tiến trình hội nhập. Cụ thể với chương trình “HVNCL – Chuẩn hội nhập”, các DN phải đảm bảo hàng hóa, từ nguồn gốc đến chế biến, xuất khẩu đủ tiêu chuẩn quốc tế.
Nhìn lại chặng đường phát triển trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, DN Việt có thể không cần lựa chọn M&A mà cần liên kết xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh để cùng nhau phát triển. Trong vài năm trở lại đây, các DN trong nước đã có sự chuẩn bị nguồn lực tài chính, tái đầu tư. Nhiều DN cũng chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực như thay hàng loạt các cấp lãnh đạo để thay đổi cách nhìn mới, bỏ lối mòn cũ. Bên cạnh đó, DN cũng tuyển dụng nhiều nhân viên kinh doanh nhằm tăng cường lực lượng bán hàng, chủ động tiếp cận thị trường, chăm sóc khách hàng cũ hơn là quản trị rủi ro…
Hiện nay, trên thị trường Việt, một số DN nội cũng đang liên kết với nhau nhằm tạo ra hệ sinh thái kinh doanh, có nghĩa các DN sẽ cùng nhau hỗ trợ sản xuất, kinh doanh hàng hóa với nhau thông qua việc hỗ trợ bán chéo sản phẩm lẫn nhau, lấn chiếm vào những khu vực khách hàng mới, đồng thời tạo những giá trị cộng thêm cạnh tranh.
Nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra phương pháp để các DNNVV tồn tại đó là phải tái cấu trúc DN hoặc liên kết với nhau tạo thành chuỗi giá trị là hướng đi nhiều lợi thế nhất trong bối cảnh hội nhập. Việc liên kết tạo hệ sinh thái kinh doanh cho DNNVV sẽ giúp DN tiếp tục tồn tại trên sân nhà, không những thế còn có thể nâng cao chất lượng từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, sản xuất ra hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ. Từ đó, hàng rào kỹ thuật sẽ dần được cải thiện và từng bước đạt tiêu chuẩn hội nhập quốc tế, có thể tiến tới xuất khẩu và cạnh tranh với các DN ngoại.