Trong 6 tháng đầu năm, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) đạt doanh thu thuần .629 tỷ đồng (giảm 1% so với cùng kỳ) và LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 322 tỷ đồng (giảm 43% so với cùng kỳ). Kết quả trên hoàn thành 59% kế hoạch doanh thu là 13.000 tỷ đồng và 58% kế hoạch LNST của cổ đông công ty mẹ là 560 tỷ đồng đề ra cho cả năm.
Doanh thu 6 tháng đầu năm thấp hơn kỳ vọng mặc dù có sự cải thiện mạnh của các mảng như dịch vụ cơ khí & xây lắp (tăng 40%), căn cứ cảng (tăng 16%), dịch vụ vận hành và bảo dưỡng (tăng 39%). Việc tập trung giải thể mảng ROV đã ảnh hưởng đến doanh thu lợi nhuận trong nửa đầu năm 2018; nhưng đây là thông tin tích cực vì mảng này đã phát sinh lỗ trong nhiều năm.
Triển vọng tươi sáng từ năm 2019 khi hàng loạt dự án dầu khí lớn triển khai
Trong báo cáo mới được công bố, CTCK HSC cho rằng triển vọng của PVS trong 3 năm tới là rất khả quan dù cho không có dự án Cá Rồng Đỏ nhờ khả năng khởi động các dự án lớn như Block B – Ô Môn (giá trị hợp đồng xấp xỉ 1,2 tỷ USD), Sử Tử Trắng giai đoạn 2 (giá trị hợp đồng xấp xỉ 500 triệu USD), Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (chưa công bố giá trị hợp đồng), Dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Bình Sơn (chưa công bố giá trị hợp đồng), Sao Vàng Đại Nguyệt…
HSC cho rằng tàu FPSO Lam Sơn hiện vẫn hoạt động với giá thuê tàu tạm thời và ở mức khá thấp nên sẽ không đóng góp lợi nhuận đáng kể trong năm 2018. Tuy nhiên, FPSO Lam Sơn dự kiến sẽ được áp dụng giá thuê chính thức cao hơn trong năm 2019, đặc biệt trong bối cảnh triển vọng giá dầu thế giới trong trung hạn khả quan hơn.
Việc nhanh chóng phát triển các mỏ dầu và khí mới hiện được xem là bắt buộc đối với Việt Nam để bù đắp cho sản lượng suy giảm ở các mỏ hiện tại. Cụ thể, nhu cầu khí khô trong nước có thể tăng 20%/năm từ năm 2021 sau khi hai nhà máy nhiệt điện chạy khí lớn là Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 đi vào hoạt động.
Với giá dầu hiện tại đã cao hơn hơn nhiều so với mức hòa vốn bình quân của Việt Nam, là 55USD/thùng, HSC dự báo hoạt động thăm dò sẽ sớm phục hồi và tiến độ triển khai các dự án chủ chốt của PVS như Block B – Ô Môn và Sư Tử Trắng giai đoạn 2 nhiều khả năng sẽ được được đẩy nhanh hơn.
HSC dự báo trong năm 2018, PVS đạt doanh thu 14.714 tỷ đồng (giảm 12% so với năm 2017) và LNST đạt 736 tỷ đồng (giảm 8% so với năm 2017).
Tuy nhiên, trong năm 2019, HSC dự báo KQKD của PVS sẽ phục hồi đáng kể với tổng doanh thu ước tăng trưởng 35% đạt 19.850 tỷ đồng và LNST của cổ đông công ty mẹ tăng trưởng 74% đạt 1.278 tỷ đồng. Các giả định chính của HSC gồm:
+ Giá dầu Brent tiếp tục tăng lên bình quân 70USD/thùng (tăng 27%) và dầu là WTI là 65 USD/thùng.
+ PVS không còn nghi nhận lỗ từ mảng ROV vốn là gánh nặng trong những năm gần đây.
+ Nhu cầu đối với các dịch vụ dầu khí tăng trong xu hướng giá dầu tiếp tục tăng và giúp thúc đẩy lợi nhuận của PVS, đặc biệt là hoạt động của các tàu hỗ trợ ngoài khơi.
+ Quá trình triển khai dự án Sao Vàng Đại Nguyệt sẽ bước vào giai đoạn tập trung nhất trong năm 2019 và tiếp tục đóng góp lợi nhuận tốt cho PVS. HSC dự báo riêng dự án này sẽ đóng góp 40% lợi nhuận gộp năm 2019 của PVS.
+ Dự án Block B – Ô Môn (với giá trị hợp đồng khoảng 1,2 tỷ USD) và Sư Tử Trắng giai đoạn 2 (giá trị hợp đồng khoảng 500 triệu USd) có thể sẽ được triển khai trong năm 2019.
+ Tàu FPSO Lam Sơn dự kiến sẽ được nhận mức giá thuê cao hơn từ năm 2019 sau khi giá thuê tạm thời hết hiệu lực vào cuối năm nay.
HSC tin rằng các công ty cung cấp dịch vụ dầu mỏ chuyên về mảng cơ khí xây lắp và các dịch vụ dưới biển như PVS sẽ hưởng lợi sớm nhất từ xu hướng tăng của giá dầu. Với một số dự án lớn như Sao Vàng Đại Nguyệt, Sư Tử Trắng 2, Block B – Ô Môn và có thể là dự án Cá Voi Xanh, triển vọng của PVS trong giai đoạn 2018-2020 thực sự rất khả quan.