Theo báo cáo vừa được CTCK Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) công bố, đơn vị này nhận định CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) sẽ ghi nhận doanh thu 14.140 tỷ đồng trong quý II, tăng 33% so với cùng kỳ 2017.
Trong kỳ, sản lượng thép xây dựng và ống thép tiêu thụ ước tăng lần lượt 9,1% và 10,2%. Mặt khác, giá bán bình quân sản phẩm thép xây dựng tăng 25,8% so với cùng kỳ, giúp tỷ suất lợi nhuận được cải thiện. Lãi ròng của Hòa Phát có thể đạt 2.250 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ.
Đánh giá về ngành thép Việt Nam, báo cáo của HSC cho rằng tiến trình tái cơ cấu với 5 doanh nghiệp lớn nhất sẽ tiếp tục diễn ra, thị phần nhóm này đã nâng từ 55,9% năm 2014 lên 60% và dự báo sẽ tăng lên 65% vào năm 2020. Riêng thị phần của HPG đã tăng từ 19,1% trong 2014 lên 23,9%.
Lĩnh vực sản xuất thép dài trong nước vẫn rất phân tán với những nhà máy nhỏ sử dụng công nghệ lạc hậu chiếm khoảng 40% thị phần. Những nhà máy này có giá thành cao hơn 10% so với giá thành của 5 doanh nghiệp đứng đầu. Điều này khuyến khích các doanh nghiệp thép lớn mở rộng hoạt động sản xuất, như trường hợp của HPG (công suât tăng với tốc độ gộp bình quân năm là 25% kể từ năm 2014).
HSC không quan ngại về thép nhập khẩu của Trung Quốc đối với việc gia tăng sản lượng và thị phần của doanh nghiệp thép như giai đoạn 2014-2015 vì 2 lý do. Thứ nhất, CTCK cho rằng hàng rào thuế quan áp dựng từ 2016 đã cho thấy hiệu quả trong việc hạn chế thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Thứ hai, các nhà máy sản xuất thép của Trung Quốc đã giảm công suất từ năm 2015 và tình tranh dư thừa thép nội địa của quốc gia này sẽ không lặp lại.
Trong ngắn hạn, HSC cũng lưu ý đến một số thách thức của Hòa Phát như trong tháng 6, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng giảm 35% so với tháng trước; giá bán kể từ giữa tháng 6 giảm 2,2% sau 12 tháng tăng liên tiếp. Mặt khác, dự án Mandarin Garden 2 đang trong đợt kiểm tra phòng cháy chữa cháy, điều này sẽ ảnh hưởng đến cả kế hoạch bàn giao nhà và hạch toán lợi nhuận.
Năm 2018, HSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của Hòa Phát sẽ đạt 62.409 tỷ đồng và 9.231 tỷ đồng, tăng trưởng 35% và 15%.
Quá trình xây dựng nhà máy Dung Quất vẫn theo đúng tiến độ, Nhà máy cán thép giai đoạn 1 sẽ đi vào hoạt động vào ngày 20/7 theo đúng kế hoạch. Nhà máy cán thép mới này sẽ nâng công suất thép xây dựng thêm 600.000 tấn, tăng 25%, giúp duy trì tăng trưởng cho công ty trong 6 tháng cuối năm và năm sau. Giai đoạn 1 của dự án sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2019.
Nhà máy tôn mạ đi vào hoạt động muộn hơn do nhu cầu thị trường yếu. Theo kế hoạch, chuỗi giá trị toàn diện cho tôn mạ sẽ đi vào hoạt động trong tháng 7 năm nay. Tuy nhiên, điều kiện thị trường cạnh tranh, Hòa Phát đã lùi thời gian đưa dây chuyền sản xuất tôn mạ toàn diện vào hoạt động trễ hơn dự kiến 2 tháng hoặc lâu hơn. Nhà máy này có công suất thiết kế là 400.000 tấn/năm và có vốn đầu tư là 2.700 tỷ đồng.