CTCP Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước (HPI) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ với nhiều điểm đáng chú ý.
Nâng hạn mức vay trung dài hạn tại VietinBank lên 2.000 tỷ đồng
Đầu tiên phải kể đến là dự kiến trình phương án vay thêm 1.000 tỷ đồng tại VietinBank, tức nâng hạn mức vay trung dài hạn tại nhà băng này lên 2.000 tỷ đồng.
Mục đích vay thêm vốn theo Công ty nhằm đáp ứng tổng mức đầu tư của dự án KCN Hiệp Phước giai đoạn 2. Theo đó, HPI dự kiến vay thêm 1.000 tỷ đồng tại VietinBank chi nhánh Sài Gòn, nâng tổng hạn mức vay dài hạn sau điều chỉnh lên 2.000 tỷ đồng. Thời hạn vay là 60 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên đến năm 2022.
Liên quan đến vay nợ tại ngân hàng này, HPI hiện có hai hợp đồng tín dụng:
(1) Hợp đồng năm 2013 với hạn mức 515 tỷ đồng, thời hạn 5 năm 2 tháng kể từ ngày 4/6/2013. Số dư tính đến ngày 31/12/2017 là 216 tỷ đồng, lãi suất ghi nhận 9,3%/năm.
(2) Hợp đồng năm 2016 với hạn mức 485 tỷ đồng, thời hạn 78 tháng. Số dư tính đến ngày 31/12/2017 hơn 218 tỷ đồng, lãi suất là 9,3%/năm.
Tính đến ngày 31/12/2017, HPI ghi nhận 1.488,7 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó nợ ngắn hạn là 693,7 tỷ và nợ dài hạn là 795 tỷ đồng. Hiện vốn điều lệ Công ty đạt 600 tỷ đồng, như vậy tổng nợ gấp đến 2,5 lần vốn góp chủ sở hữu HPI.
Trước đó không lâu, HPI kế hoạch phát hành thêm 40 triệu cổ phiếu với giá bán bằng mệnh giá 10,000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ lên 1,000 tỷ đồng, tỷ lệ thực hiện quyền 3:2. Qua đó thu về 400 tỷ đồng tiền mặt, dùng để góp vốn thành lập mới CTCP Công Nghiệp – Tiếp vận Hiệp Phước (200 tỷ) và CTCP Cảng Hiệp Phước (200 tỷ)..
Ngoài ra, năm 2018 HPI cũng dự kiến phát hành tối đa 1,100 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được bảo đảm bằng tài sản. Ngày phát hành dự kiến trong năm 2018, ngày đáo hạn vào năm 2023, tức 5 năm kể từ ngày phát hành. Mục đích phát hành nhằm tăng quy mô hoạt động, mà sâu xa là thành lập Công ty TNHH MTV Đầu tư Hiệp Phước (HIPC) – 100% vốn thuộc HPI.
Tuy nhiên, đến nay ban lãnh đạo HPI cho biết chưa phải thời điểm thích hợp nên đã tạm hoãn hai hình thức huy động này.
Tại sao lại đặt kế hoạch 2018 giảm?
Về kế hoạch kinh doanh, trước đó trong Bản cáo bạch CBTT HPI từng kỳ vọng doanh thu 2018 đạt gần 785 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 244 tỷ đồng; lần lượt tăng 67% và 167% so với thực hiện năm 2017. Tuy nhiên, trong tài liệu lần này, HPI điều chỉnh giảm cả hai chỉ tiêu trên.
Cụ thể, HPI đặt kế hoạch doanh thu chỉ tăng 12% lên mức 570 tỷ đồng, trong đó doanh thu cho thuê đất đạt 496 tỷ đồng (tăng 15%). Tuy nhiên, dự kiến tốc độ tăng doanh thu thấp hơn tốc độ tăng giá vốn và chi phí, do đó HPI đặt chỉ tiêu lãi ròng giảm 21% về mức 72 tỷ.
Chi tiết, Công ty cho biết giá vốn sẽ tăng 22% trong năm 2018 do điều chỉnh giá vốn dự án KCN Hiệp Phước giai đoạn 2 từ 1.186.000 đồng/m2 lên 1.728.000 đồng/m2, trong đó điều chỉnh tăng giá vốn đối với các hợp đồng đã hạch toán doanh thu vào những năm trước là 59,6 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí bán hàng cũng dự kiến tăng 166%, con số tăng đối với chi phí quản lý là 8%. Với những lý do trên, HPI đã điều chỉnh lãi ròng kế hoạch 2018 giảm 21% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ điều chỉnh tăng giá vốn với các hợp đồng đã hạch toán thì lợi nhuận trước thuế 2018 ước đạt 150 tỷ, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 120 tỷ đồngm tăng 31% so với 2017.
Một điểm đáng chú ý khác, HPI cũng dự kiến trình cổ đông sẽ không chia cổ tức 2017, nhằm giữ lại dòng tiền tái đầu tư dự án KCN Hiệp Phước giai đoạn 3 và khu cảng Hiệp Phước.