Tại hội thảo, Đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng tín dụng bất động sản trên địa bàn thời gian qua luôn chiếm khoảng 10,08% tổng dư nợ. Cơ chế chính sách tiền tệ thời gian qua mặc dù tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhưng đã gián tiếp hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển.
Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng theo lộ trình ban đầu là năm 2018 giảm từ 50% xuống 40%. Nhưng sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp bất động sản, NHNN đã điều chỉnh lên mức 45%.
Các ngân hàng cũng thừa nhận thị trường bất động sản phát triển sẽ giúp thanh khoản của những khoản đảm bảo tiền vay bằng bất động sản tốt hơn và cũng giúp các ngân hàng giải quyết nợ xấu chủ động hơn.
Mặc dù, chủ đề Hội thảo là chu kỳ khủng hoảng nhưng đa số các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và nhà quản lý đều cho rằng khó xảy ra khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ 10 năm làm đóng băng thị trường bất động sản.
Nguyên do, cơ quan quản lý đã thận trọng hơn, doanh nghiệp trưởng thành hơn so với cuộc khủng hoảng bất động sản cách đây 5 năm. Việc chủ động cắt giảm lượng cung sản phẩm ra thị trường khiến cung – cầu nhà đất giảm thiểu sự lệch pha.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, sản phẩm bất động sản đưa vào thị trường trong 6 tháng đầu năm nay giảm ở cả ba phân khúc. Điển hình, ở phân khúc nhà ở cao cấp, 6 tháng đầu năm nay các doanh nghiệp đưa vào thị trường khoảng gần 4.000 căn, giảm 1.200 căn so với nửa đầu năm trước.
Trong khi đó, ở phân khúc căn hộ có giá tầm trung, các doanh nghiệp đưa vào thị trường khoảng 3.700 căn, giảm 1.300 căn so với nửa đầu năm trước. Còn ở phân khúc căn hộ có giá bình dân, các doanh nghiệp đưa vào thị trường khoảng 1.914 căn, giảm 4.286 căn so với nửa đầu năm trước.
Tuy nhiên, vẫn có “độ vênh” trong cơ cấu sản phẩm. Cũng theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2018, nguồn cung căn hộ cao cấp chiếm 41%, căn hộ có giá tầm trung chiếm 39%, căn hộ giá bình dân chiếm 19,9%. Trong khi đó, tỷ lệ này nửa đầu năm 2017 lần lượt là 31,3%, 31,1%, 37,1%.