Ngân hàng mới sẽ mang lấy lại tên cũ của ngân hàng TMCP Sài Gòn.
Theo lời của các cổ đông, đại hội của ba ngân hàng đã diễn ra suôn sẻ và thành công. Trong “nghị trường”, hầu như không có chất vấn nào từ cổ đông, chỉ có sự ủng hộ và hài lòng vì việc hợp nhất sẽ giúp ngân hàng tốt hơn. Nhất là khi đó là chủ trương của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước (NHNN) đứng đằng sau, mà ngân hàng BIDV làm đại diện hỗ trợ thanh khoản và tham gia tái cơ cấu ngân hàng.
Cổ đông SCB (cũ) dường như không thắc mắc vì sao nợ xấu SCB lại tăng cao, chiếm tới 12,46% tổng dư nợ cuối năm 2010, cũng chẳng hề cật vấn ai vay, món nợ vay, vì sao nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng như thế nào. Cũng chẳng cổ đông nào đòi quyền được minh bạch thông tin, để những người điều hành ngân hàng phải trả lời rõ tiền đang đọng ở đâu, vì sao lại dẫn đến việc thiếu thanh khoản trầm trọng đến mức NHNN phải can thiệp.
Cũng như vậy, cổ đông của Ficombank và Tín Nghĩa Bank không động đến câu hỏi chạm đến quyền lợi của họ: liệu họ gánh món nợ xấu của SCB như thế nào ở ngân hàng mới? Bởi nợ xấu của hai ngân hàng này lần lượt là 1,7% và 2,2% năm 2010, thấp hơn nhiều so với SCB. Họ cũng không thắc mắc về cổ tức năm nay khi đến nay vẫn chưa thấy trả.
Vì sao những vấn đề quan trọng như vậy mà các cổ đông không làm rõ, như cổ đông SCB đã từng dùng quyền của mình khiến đại hội 2008 “dậy sóng” khi truất quyền tổng giám đốc, đòi minh bạch thông tin các khoản nợ xấu?
Ông Trương Văn Phước, tổng giám đốc ngân hàng Eximbank, người từng có kinh nghiệm trong việc tham gia tái cơ cấu Eximbank khi ngân hàng này đứng trước nợ xấu chiếm 76% tổng dư nợ gần 10 năm về trước, cho rằng việc tái cơ cấu ngân hàng SCB (mới) sẽ không khó đối với BIDV. Theo ông, có ba lý do. Thứ nhất, ngân hàng mới đối mặt với nỗi lo thanh khoản trước mắt, thì đã được hỗ trợ giải quyết bởi BIDV. Thứ hai, nợ xấu (cả nợ xấu liên ngân hàng) của các ngân hàng đã có tài sản đảm bảo. Hiện nay tài sản đảm bảo chưa tạo nên thanh khoản, nhưng sẽ có cơ hội hồi phục và sẽ tạo thanh khoản trong tương lai. Thứ ba, ba ngân hàng hợp nhất được NHNN đứng sau với những hành động cụ thể đang giúp niềm tin thị trường phục hồi sớm, cũng như sẽ giúp thanh khoản phục hồi. “Hơn nữa, NHNN đã có kinh nghiệm tái cơ cấu một vài ngân hàng trước đó, đã có “toa thuốc”trong tay rồi, giờ SCB chỉ việc uống để phục hồi sức khỏe”, ông nói.
Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, các con số trong báo cáo tài chính vẫn chưa cho thấy trọn vẹn sự minh bạch. Chẳng hạn, báo cáo thường niên ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank) 2010 cho thấy trong cơ cấu dư nợ cho vay trong năm 2010, trung dài hạn chiếm 14%, ngắn hạn 86%, những con số an toàn và vững chắc. Kỳ hạn cho vay ngắn chiếm đa số như vậy, thì tại sao chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm 2011, điều gì đã xoay chuyển khiến Ficombank mắc kẹt trong việc “dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn” và đánh mất thanh khoản nhanh như vậy.
Ficombank có thể mất thanh khoản nhanh bởi cơ cấu vốn huy động dựa vào các tổ chức tín dụng khá cao: năm 2010, huy động từ tổ chức tín dụng chiếm 52%, tổ chức kinh tế 26%, dân cư chỉ có 22%. Đồng thời, vốn huy động ở ngân hàng này biến động mạnh trong những năm qua: từ 791 tỉ đồng năm 2008, 541 tỉ đồng năm 2009 lên 5.360 tỉ đồng trong năm 2010. Từ đó, dư nợ cho vay cũng tăng mạnh theo, trong khi năng lực quản trị, quản lý rủi ro không theo kịp, dẫn đến chất lượng tài sản thấp, nợ xấu tăng cao.
Ngân hàng sau hợp nhất sẽ lớn hơn với vốn điều lệ là 10.583,8 tỉ đồng, tổng tài sản là 153.626 tỉ đồng. Thuyền to thì sóng lớn, rủi ro cũng tăng, đòi hỏi công nghệ, năng lực quản lý cao hơn, hệ thống kiểm soát chặt chẽ. Những thứ đó, có thể BIDV sẽ bù đắp và xây dựng dần dần. Nhưng hơn hết, ngân hàng mới còn cần một sự đồng lòng trong điều hành, để từ đó có thể tiến tới là một ngân hàng hoạt động vững mạnh, minh bạch, đó mới là cái đích tái cơ cấu mà ngân hàng Nhà nước mong muốn.