Sa lầy do phát triển quá nóng
Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết, tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết, thành lập năm 1960, là nhà máy của tư nhân chuyên sản xuất các sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ.
Đến năm 1975, Nhà máy được Quốc hữu hoá và năm 1979 đổi tên thành Xí nghiệp Quốc doanh Bông Bạch Tuyết. Sau đó năm 1992 đổi tên thành Công ty Bông Bạch Tuyết. Đây là giai đoạn Bông Bạch Tuyết nhập khẩu dây chuyền sản xuất hiện đại, cải tiến công nghệ, tung sản phẩm mới chiếm lĩnh thị trường cả nước và phát triển mạnh mẽ.
5 năm sau, Bông Bạch Tuyết chuyển đổi mô hình thành Công ty cổ phần với vốn điều lệ 11,4 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 30% vốn. Mô hình hoạt động mới đưa sản phẩm bông y tế của Bông Bạch Tuyết chiếm 90% thị phần cả nước còn sản phẩm băng vệ sinh chiếm 30%. Năm 2002, Bông Bạch Tuyết tăng vốn lên 68,4 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự tích luỹ.
Với kết quả kinh doanh khả quan, tháng 3/2004, Bông Bạch Tuyết đã đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Thế nhưng, kể từ đó, kết quả kinh doanh của công ty sa sút. Trong 4 năm từ 2005-2008, nội bộ công ty thường xuyên xảy ra xung đột, quản lý gặp nhiều mâu thuẫn, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả.
Một trong những nguyên nhân chính khiến Bông Bạch Tuyết sa lầy là do không cân đối được sản xuất và bán hàng. Công ty đã nhập thêm máy móc đã khiến năng lực sản xuất tăng vọt, trong khi năng lực bán hàng không kịp đáp ứng. Hệ quả là, năm 2006, Bông Bạch Tuyết lỗ 8,5 tỷ đồng và năm 2007 lỗ tiếp 6,8 tỷ đồng.
Liên tục thua lỗ, Bông Bạch Tuyết đã buộc phải ngừng sản xuất từ tháng 7/2008 còn cổ phiếu huỷ niêm yết từ tháng 8/2009.
1 tháng sau khi bị huỷ niêm yết, Bông Bạch Tuyết hoạt động trở lại. Công ty quyết tâm khắc phục sai lầm và đề ra hướng tập trung vào sản phẩm chủ lực là bông, gạc y tế. Thế nhưng, các khoản nợ ngân hàng khiến Bông Bạch Tuyết chưa thể thoát khỏi hoàn cảnh thua lỗ. Năm 2010, công ty lỗ gần 19 tỷ đồng và kéo dài cho đến năm 2013.
Hồi sinh
Sau giai đoạn thua lỗ, Bông Bạch Tuyết đang hồi sinh mạnh mẽ. Thực tế, ngay trong giai đoạn thua lỗ, Bông Bạch Tuyết vẫn duy trì được tăng trưởng doanh thu. Kể từ năm 2014, công ty bắt đầu có lợi nhuận, cho dù chưa lớn. 2 năm 2016-2017 vừa qua, Bông Bạch Tuyết đều đặn thu lãi khoảng 15 tỷ đồng.
Nhờ đó, lỗ lũy kế của Bông Bạch Tuyết tính đến cuối năm 2017 giảm xuống chỉ còn 62 tỷ đồng.
Kể từ khi huỷ niêm yết đến nay, vẫn còn khá nhiều người mắc kẹt với cổ phiếu của Bông Bạch Tuyết. Công ty có 2.400 cổ đông, trong đó 2.290 cổ đông cá nhân, 11 cổ đông tổ chức và 99 cổ đông nước ngoài. Ngoài phần vốn của Nhà nước chiếm 30% cổ phần, Bông Bạch Tuyết không có cổ đông lớn nào khác.
Mới đây, Bông Bạch Tuyết đã được chấp thuận niêm yết trở lại trên sàn chứng khoán và cổ đông của công ty sắp có cơ hội giao dịch cổ phiếu trở lại. Cụ thể, từ ngày 12/6, 6,84 triệu cổ phiếu Bông Bạch Tuyết sẽ lên sàn UPCoM với mã BBT. Giá tham chiếu là 2.300 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa khoảng 15,7 tỷ đồng.