Trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế thế giới, các diễn biến đan xen như việc CPTPP đã được thông qua dù không có Mỹ, song cùng lúc đó, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy mạnh mẽ hơn đang đặt Việt Nam trước nhiều thách thức. Nhìn lại cả quá trình đó, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia Kinh tế, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam cần học cách để làm quen với những trục trặc trong hội nhập và coi đó là cơ hội để cải cách chính mình.
Sau khi bước qua ngưỡng cửa hội nhập WTO vào năm 2007, dòng vốn FDI đã lập tức vọt lên rất mạnh, từ mức 15 tỷ USD của năm 2007 lên 21 tỷ USD rồi lập kỷ lục 71 tỷ USD vào năm 2008. Diễn biến tương tự chưa được ghi nhận dù thời gian qua chúng ta đàm phán và ký kết rất nhiều FTA. Từ ví dụ này, có thể đặt ra vấn đề khả năng tận dụng cơ hội từ các FTA của chúng ta đang giảm sút, thưa ông?
Tôi cho rằng không hẳn là như vậy. Trở lại bối cảnh khi chúng ta gia nhập WTO, mặc dù đó chưa phải FTA chất lượng cao nhưng nó đánh dấu một bước tiến về cách chơi, sự hội nhập thực sự của Việt Nam và nó gắn với cái nhìn về triển vọng kinh tế Việt Nam khá là sáng sủa.
Bên cạnh đó, thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, cung vốn của thế giới tràn ngập, cho nên lúc bấy giờ các đại gia nước ngoài kéo vào, khiến vốn FDI đăng ký vọt lên trên 70 tỷ USD. Như vậy thời điểm đó do cả bên cầu kéo và cung đẩy.
Cũng cần lưu ý rằng, sự hứng khởi quá đà sau này đã dẫn tới bong bóng bất động sản năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu… Suốt một thời kỳ, tăng trưởng chủ yếu là sự bành trướng đầu tư và mức đầu tư rất cao, để lại nhiều hệ lụy cho kinh tế vĩ mô.
Mặt khác, nếu xét về tăng trưởng thương mại, từ khi gia nhập WTO mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đều đạt khoảng 12-14%/năm trong một thời gian dài. Tốc độ này hiện nay vẫn được duy trì và trong vài năm trở lại đây thậm chí còn cao hơn, vượt mức 20%/năm. Tôi cho rằng nếu chỉ nhìn vào lợi ích từ thương mại và đầu tư thôi là chưa đủ. Cá nhân tôi đánh giá quá trình hội nhập của Việt Nam hiện nay có bước tiến rõ rệt hơn, nhất là so với trước khi gia nhập WTO.
Vẫn có nhiều băn khoăn về việc Việt Nam là một nền kinh tế còn chưa phải là phát triển. Ngay trong APEC hay CPTPP, vẫn có thể coi mức phát triển của chúng ta là tương đối thấp, thu nhập bình quân đầu người không cao; năng lực thể chế, nguồn lực hạn chế… Trong bối cảnh đó, lại hội nhập ở mức sâu rộng như vậy cả về quan hệ đối tác, cam kết… thì liệu có đủ sức để tận dụng được các cơ hội mang lại hay không?
Điều này không phải không có lý, vì tiến trình hội nhập của Việt Nam nhìn tổng thể có những thời điểm, giai đoạn có vẻ chưa xử lý tốt được những tương tác với bên ngoài, nhất là khi bên ngoài có cú sốc. Ví dụ giai đoạn một số năm sau khi gia nhập WTO, đặc biệt sau năm 2011 đã có khủng hoảng tài chính toàn cầu, dòng vốn vào ồ ạt, rồi những cú sốc về năng lượng… Tuy nhiên nhìn lại thì ngay cả lúc Việt Nam chưa trải nghiệm, va đập học hỏi nhiều như hiện nay, giai đoạn đầu tiên khi mình hiểu biết chưa nhiều, nhưng với sự nỗ lực dám chơi, tự tin dám học hỏi thì dần dần mình vượt qua các khó khăn thách thức.
Hiện nay sau thời kỳ rất nhiều trục trặc, khó khăn của giai đoạn 2007-2011, nền kinh tế cũng bắt đầu ổn định lại và có những dấu hiệu tích cực, hồi phục tương đối rõ nét và đặc biệt mình bắt đầu nhận ra nhiều vấn đề cải cách, tái cấu trúc kinh tế, cách thức cải cách chuyển sang kinh tế thị trường chuẩn nhất, bắt nhịp với xu hướng mới cũng nhanh hơn và đằng sau đó là con người Việt Nam, nhất là doanh nhân tự tin hơn.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang vào thời điểm cần có những đột phá về cải cách, nhất là thể chế, bước sang giai đoạn phát triển mới chất lượng tốt hơn, bền vững hơn không chỉ cho kinh tế mà cả xã hội, môi trường, thì hội nhập sâu rộng là áp lực, xúc tác cần thiết để thúc đẩy quá trình này.
Các FTA chất lượng cao mà chúng ta đã ký như CPTPP, hay đang đàm phán như Việt Nam – EU… sẽ là chất xúc tác tạo bước ngoặt về thể chế cho Việt Nam, dù đây vốn là yêu cầu tự thân của Chính phủ hiện tại. Các FTA này sẽ tác động trực tiếp tới thương mại, đầu tư, dịch vụ và Việt Nam là nước được hưởng lợi hơn cả. Việc chúng ta tham gia mạnh hơn vào các FTA này càng khẳng định về một xu thế chủ đạo của thế giới là hội nhập, liên kết tự do thương mại khu vực, thế giới trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang lên cao.
Trở lại với câu chuyện chủ nghĩa bảo hộ đang lên cao và được đánh giá sẽ là trở ngại đối với tiến trình hội nhập của thế giới cũng như Việt Nam. Theo ông chúng ta cần chuẩn bị như thế nào để đối phó với xu hướng này?
Liên quan đến vấn đề này mà đằng sau đó là câu chuyện phòng vệ thương mại, nhất là đối với các FTA tiêu chuẩn cao, yêu cầu đầu tiên mà chúng ta cần chú ý là không tạo cớ để các nước áp đặt các biện pháp này. Chẳng hạn như cải cách thị trường hơn, cách thức nhận sự hỗ trợ của Chính phủ phải phù hợp cam kết, tiêu chuẩn WTO, hay trong quá trình làm ăn phải rất minh bạch, đầy đủ thông tin.
Về công tác xây dựng khung khổ pháp lý, thật ra sau giai đoạn WTO đến nay khung khổ này của Việt Nam không thiếu, rất nhiều nghị định và văn bản pháp lý và Việt Nam cũng bắt đầu có trường hợp khởi kiện và thắng cuộc. Cho nên vấn đề của Việt Nam với các FTA thế hệ mới là phải rà soát lại các quy định. Các văn bản pháp lý này hiện nay khá tương thích với thế giới, nên chìa khoá ở đây vẫn là nhận thức và công tác chuẩn bị, nhất là từ phía DN.
Xin cảm ơn ông!