Các doanh nghiệp có kế hoạch phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDR) đang nóng lòng chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn cho hoạt động này sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho doanh nghiệp được thí điểm triển khai phát hành GDR.
Trước đó, một số đơn vị từng xin phép UBCK, Bộ Tài chính để được phát hành GDR nhưng chưa có hướng dẫn. Điều đáng nói là, trên thực tế, hoạt động này đã bị một số doanh nghiệp “vượt rào” thực hiện và cơ quan quản lý buộc phải xử lý nhưng theo kiểu “phạt để cho xong”.
Đây không phải là hoạt động vượt rào đầu tiên trên TTCK, bởi trước đó, thị trường đã chứng kiến một loạt hoạt động vượt rào khác của các CTCK như: giúp NĐT mở nhiều tài khoản, giao dịch ký quỹ, mua bán cùng phiên… Các hoạt động này cũng vừa được hợp thức hoá bằng Thông tư 74/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch chứng khoán.
Những hành động vượt rào như kể trên cho thấy rất rõ một thực trạng là hành lang pháp lý chưa theo kịp so với nhu cầu chính đáng của các thành viên tham gia TTCK. Những nghiệp vụ vượt rào không phải do các đối tượng sáng tạo mới mà cũng là sự học hỏi từ các TTCK ra đời trước và đã phát triển cao hơn TTCK Việt Nam. Khi thị trường đặt ra yêu cầu mới, dù biết là vượt rào, nhiều thành viên, nhất là các nhà cung cấp dịch vụ trung gian như các CTCK không thể không làm, nếu muốn tồn tại trong cạnh tranh.
Đành rằng, hành lang pháp lý đối với mỗi thị trường khác nhau về tuổi đời, về cấp độ phát triển là khác nhau, song cùng phải hướng đến sự phát triển. Môi trường pháp lý phải tạo điều kiện cho thị trường phát triển và vì vậy, nó phải được điều chỉnh nhanh nhạy, thích ứng với tầm vóc, yêu cầu mới của thị trường.
Các hành động vượt rào càng nhiều về số lượng, càng lâu về thời gian thì càng thể hiện khoảng đuối giữa hành lang pháp lý với thực tiễn thị trường. Với những thị trường tiên phong thì cơ chế chính sách đi theo thực tiễn, nhưng ở những thị trường sinh sau như TTCK Việt Nam, chúng ta có cả kho kinh nghiệm từ các thị trường đã trưởng thành, không lý gì mà hành lang pháp lý lại lạc hậu xa so với yêu cầu thực tiễn của thị trường.
TTCK Việt Nam đã chứng kiến không ít hoạt động vượt rào, nhưng hầu như cơ quan quản lý tỏ ra “nương tay” với các hoạt động này. Nếu để tình trạng vượt rào xảy ra thường xuyên, một mặt, nó sẽ làm nhạt đi vai trò của cơ quan làm chính sách, mặt khác cũng tạo ra những hệ luỵ nhất định cho thị trường, nhất là trong trường hợp có những tranh chấp xảy ra xung quanh các nghiệp vụ vượt rào. Câu chuyện về xử lý các hợp đồng hợp tác đầu tư đang vô cùng phức tạp là một ví dụ cho trường hợp này.
Nếu hành lang pháp lý đủ rộng, các hành động vượt rào chắc chắn sẽ ít đi và thị trường sẽ ổn định hơn khi có sự chủ động của tất cả các thành viên. Hy vọng, một loạt văn bản quy phạm như dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán, dự thảo hướng dẫn doanh nghiệp phát hành và niêm yết tại nước ngoài, dự thảo Quy chuẩn niêm yết mới trên TTCK… sẽ sớm được UBCK và Bộ Tài chính hoàn tất.