Chuyện gì đang diễn ra ở tập đoàn Hoa Sen?
Bành trướng mạng lưới
Chẳng tháng nào Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM không nhận được công bố thông tin trong vòng 24 giờ về việc mở chi nhánh của Hoa Sen. Có khi trong một bản công bố, tập đoàn thông báo mở liền 2-3 chi nhánh. Theo báo cáo tài chính hợp nhất kết thúc vào ngày 30-6-2018, Hoa Sen có 410 chi nhánh. Còn theo trang web của HSG, đến giữa tháng 8-2018, tập đoàn có 587 chi nhánh và cửa hàng bán lẻ. “Đến giữa năm 2017 tổng số chi nhánh bán lẻ của Hoa Sen đã lên đến 500. Hệ thống chi nhánh, đại lý phân phối, bán lẻ là nền tảng để thực thi chiến lược “mua tận gốc, bán tận ngọn” của tập đoàn – website nhấn mạnh.
Chỉ riêng năm 2017, HSG mở 121 chi nhánh, tính bình quân cứ ba ngày lại có một chi nhánh mới ra đời. Tập đoàn dự kiến cuối năm nay số chi nhánh, cửa hàng bán lẻ sẽ được nâng lên 700 và 1.000-1.200 vào năm 2020. Không biết giá vốn mở một chi nhánh bao nhiêu và thời điểm hòa vốn của các chi nhánh thế nào, nhưng cứ nhìn vào con số thì tốc độ mở rộng mạng lưới của Hoa Sen quả thật ngoạn mục. Những năm trước các ngân hàng thương mại đầu tư nhiều nhất, nhanh nhất cho mạng lưới, song đến giờ chắc họ cũng phải ngả mũ chào thua Hoa Sen. Số chi nhánh, cửa hàng bán lẻ của Hoa Sen đã ngang ngửa mạng lưới của Sacombank – là ngân hàng cổ phần có hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch rộng nhất. Nếu lấy con số dự kiến của năm 2020, mạng lưới của Hoa Sen khi ấy sẽ vượt Agribank, BIDV.
Câu chuyện mở rộng mạng lưới của Hoa Sen bắt đầu năm 2016 khi thị phần tôn mạ của tập đoàn rơi xuống 33% từ mức gần 40% của ba năm trước đó. Mất thị phần có lẽ là “nỗi đau” không thể chịu nổi của HSG. Lãnh đạo công ty đã thay đổi chiến lược, thực hiện vay nợ để cải thiện vị thế, nâng sức cạnh tranh và giành lại thị phần. Nói ngắn gọn là dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư mạng lưới, xây thêm nhà máy, hạ giá bán để cạnh tranh. Ở thời điểm bấy giờ, sử dụng đòn bẩy nợ có một điểm thuận lợi: tỷ giá ổn định, lãi suất hạ và đứng ở mức thấp. Chưa kể lợi nhuận năm 2015-2016 của Hoa Sen đang “giòn giã”. Lợi nhuận ròng năm 2015 gấp 1,5 lần năm 2014; lợi nhuận 2016 gấp hơn 2 lần năm 2015. Một bảng cân đối tài chính như vậy dễ làm xiêu lòng các ông chủ ngân hàng!
Tốc độ vay nợ
Hoa Sen mở mạng lưới nhanh bao nhiêu, thì vay nợ bứt phá bấy nhiêu. Theo báo cáo tài chính năm 2016, đến ngày 1-10-2016 tổng nợ ngắn hạn và dài hạn của tập đoàn là 5.784 tỉ đồng. Số nợ này hoàn toàn có thể làm các chủ nợ yên tâm nếu so sánh với dòng tiền thu về và lợi nhuận ròng đỉnh cao: quí 1-2016 lợi nhuận sau thuế của HSG đạt 418 tỉ đồng, hai quí tiếp theo mỗi quí đạt 448 tỉ đồng, quí 4-2016 là 440 tỉ đồng, quí 1-2017 vẫn duy trì 415 tỉ đồng. Ngày đó, phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần kể “mãi mới cho được Hoa Sen vay. Kiếm thêm được mươi khách hàng như Hoa Sen thì chúng tôi khỏe re”!
Thực thi chiến lược giành lại thị phần, HSG vay nợ ngay và vay cấp tập. Báo cáo tài chính chỉ ra đến ngày 30-6-2017, tức chín tháng sau, tổng nợ vay của tập đoàn đã lên đến 10.828 tỉ đồng. Đúng một năm sau, ngày 30-6-2018 nợ vay và thuê tài chính của HSG cán đích 15.880 tỉ đồng.
Ai là chủ nợ của Hoa Sen? Theo báo cáo tài chính hợp nhất kết thúc ngày 30-6-2018, trang 20-21, hơn chục ngân hàng cho HSG vay, có cả ngân hàng nước ngoài như HSBC, ANZ, Standard Chartered Bank, UOB, Sumitomo Mitsui Banking Corporation. Các chi nhánh của VietinBank cho Hoa Sen vay 8.287 tỉ đồng; các chi nhánh Vietcombank cung ứng 3.226 tỉ đồng; còn lại các tổ chức tín dụng khác cho vay từ vài chục đến vài trăm và cả ngàn tỉ đồng.
Vay nhiều, trả lãi nhiều. Đến giữa năm nay chi phí lãi vay của Hoa Sen “nhảy” lên 577 tỉ đồng. Cân đối dòng tiền vào ra cho thấy tiền thu từ đi vay của tập đoàn là 26.787 tỉ đồng, tiền trả nợ gốc vay 22.728 tỉ đồng. Nghĩa là trả nợ xong, Hoa Sen lại được vay mới ngay. Chắc các chủ nợ phải tin tưởng Hoa Sen lắm nên mới cấp tiếp tín dụng. Cũng không loại trừ có thể có trường hợp đảo nợ. Đảo nợ hay không, chỉ người vay và người cho vay biết. Báo cáo tài chính không thuyết minh chuyện “tế nhị” như vậy!
Lợi nhuận “teo” lại
Khi vốn vay tăng, giá trị tài sản cố định chủ yếu là máy móc, thiết bị của Hoa Sen tăng nhanh, hiện tới 8.244 tỉ đồng, chứng tỏ một phần đòn bẩy đã được đầu tư cho máy móc. Kế đó các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng tăng hơn 4,1 lần, từ 464 tỉ đồng năm 2015 lên 2.359 tỉ đồng hiện nay. Sự đột biến các khoản phải thu là do tập đoàn nới lỏng chính sách bán hàng, ưu đãi nhiều hơn cho các đại lý để giành lại thị phần.
Hàng tồn kho bao gồm nguyên vật liệu, thành phẩm cũng ở mức cao 8.306 tỉ đồng. Hàng tồn kho vốn là một bài toán của ngành tôn mạ và thép nhằm đối phó với sự biến động của nguyên liệu nhập khẩu. Đại diện Hoa Sen cho biết giá HRC (một nguyên liệu đầu vào) đã tăng 28% so với cùng kỳ, nhưng tập đoàn lại không thể tăng giá bán sản phẩm tương ứng vì mục tiêu lấy lại thị phần.
Đây không phải là lần duy nhất Hoa Sen để hàng tồn kho cao như vậy. Năm 2011, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoa Sen, có lần nói với người viết bài này “Nghe lỗ là mừng”. Hỏi vì sao kinh doanh lỗ lại mừng, ông giải thích hàng tồn kho cao, phải bán lỗ mới tiêu thụ được, nhưng bán được là tốt rồi, nghĩa là có dòng tiền về rồi. Hồi đó cổ phiếu HSG liên tục giảm sàn và dư bán sàn. Sau khi bán lỗ hàng tồn kho, ông nói: “Hôm nay cổ phiếu vẫn sàn, nhưng không còn dư bán, đã có dư mua”. Năm ấy lợi nhuận ròng của Hoa Sen thấp nhất kể từ khi niêm yết.
Giờ đây nỗi ám ảnh hàng tồn kho cao, các khoản phải thu nhiều, nợ vay phình ra và lợi nhuận trên đà sụt giảm đang đeo bám các cổ đông của Hoa Sen. Quí 1-2018 lợi nhuận sau thuế của tập đoàn vỏn vẹn 87 tỉ đồng, quí 2-2018 còn thấp hơn, chưa đầy 83 tỉ đồng. Cũng may là quí 4 năm ngoái lợi nhuận đạt 333 tỉ đồng (năm tài chính của HSG từ 1-10-2017 đến 30-9-2018), nên chín tháng của năm tài chính này tập đoàn có lợi nhuận ròng 512 tỉ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ.
Đã thành lệ, gần đây cứ sau công bố báo cáo tài chính quí và năm, Hoa Sen lại có văn bản giải trình gửi cho Hose về kết quả kinh doanh năm sau thấp hơn năm trước, quí sau thấp hơn quí trước với các lý do: giá vốn bán hàng tăng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng, chi phí lãi vay tăng. Điệp khúc khiến không ít nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu HSG e ngại.
Gặp lại vị phó tổng giám đốc ngân hàng nọ đã từng mừng rơn vì cho Hoa Sen vay, nay ông nói “đã thu hồi nợ và không cho vay nữa, chỉ còn vài chục tỉ đồng cho thuê tài chính”. Ông bất giác chia sẻ lo âu rằng Hoa Sen vay từng ấy tiền mà thị phần hai năm qua chỉ nhích được 1,3%, lên hơn 34% một chút. Thêm nữa sắp tới đây tỷ giá, lãi suất đã qua vùng đáy, Hoa Sen liệu có lâm vào “vòng xoáy” nợ nần. Cũng như các “đại gia nợ” khác, 70% nợ vay của HSG là ngắn hạn, mà doanh nghiệp vẫn đang đổ vốn vào mở rộng đầu tư, xây nhà máy ở Nghệ An, Hà Nam, Bình Định, vươn sang các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, căn hộ cao cấp. Sử dụng nợ ngắn hạn đầu tư dài hạn ở tầm quy mô trong điều kiện thị trường tài chính biến động luôn tiềm ẩn mạo hiểm.