Nếu nhìn vào mức giảm hơn 1,3% của cùng kỳ năm 2017, rõ ràng tỷ giá đã tiến một bước khá dài trong thời gian qua, đặc biệt là trong 2 tháng trở lại đây.
Tăng là tất yếu
Trên thị trường chính thức, tỷ giá trung tâm USD/VND của NHNN tính đến ngày 7/7 tăng 213 đồng, tương đương 0,95% so với đầu năm nay. Mức tăng này cũng chỉ ở mức tương đối khi mà cùng kỳ năm 2017, tỷ giá đã tăng 1,3% so với đầu năm. Có thể thấy chính sách điều hành tỷ giá của NHNN tiếp tục duy trì khá ổn định và theo lộ trình đi lên dần mà không gây ra quá nhiều cú sốc.
Điều đáng nói là tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng và trên thị trường tự do – nơi thể hiện rõ nhất cung cầu ngoại tệ, đã tăng khá mạnh trong thời gian gần đây. Cụ thể, nếu như tỷ giá mua bán của Vietcombank thời điểm này cùng kỳ năm ngoái giảm 0,04% so với đầu năm, thì hiện nay có mức tăng 1,5%. Đặc biệt xu hướng tăng mạnh chỉ mới bắt đầu từ cuối tháng 5 đến nay.
Còn trên thị trường không chính thức, tỷ giá mua vào và bán ra tính đến chiều ngày 7/7 đã tăng tương ứng 1,94% và 2,16% so với đầu năm. Theo đó, khoảng cách giá mua bán đã mở rộng 60 đồng so với mức chênh lệch khá hẹp trước đây chỉ từ 10 – 30 đồng. Điều cần lưu ý là cùng kỳ năm 2017, giá mua bán USD trên thị trường này vẫn đang giảm 1,2 và 1,3% so với đầu năm.
Đa số ý kiến phân tích cho rằng động thái bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán đã ít nhiều tác động đến tâm lý trên thị trường ngoại hối, với lo ngại dòng vốn có thể bị rút ra khỏi thị trường Việt Nam. Song song đó là cán cân thương mại thâm hụt trở lại trong 2 tháng qua, cũng như tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao và lạm phát tăng nhanh trở lại có thể gây áp lực lên tỷ giá.
Nhu cầu ngoại tệ cho thanh toán có tính chu kỳ của doanh nghiệp vào cuối tháng, cuối quý trong tháng 6 cũng như nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI khiến cung cầu ngoại tệ căng thẳng hơn, tuy nhiên cần lưu ý rằng nếu vậy thì tại sao cùng kỳ năm 2017, tỷ giá vẫn có thể giảm so với đầu năm?
Cần phải biết rằng đồng USD thời gian qua đã tăng khá mạnh trên thị trường quốc tế, với chỉ số USD Index gần đây đã có lúc vượt mốc 95 điểm, tức tăng 6,6% so với mức thấp nhất vào giữa tháng 4, theo đó hầu hết các đồng tiền khác giảm vài %, thậm chí cá biệt vài chục % so với USD, trong đó có không ít nền kinh tế lớn khác. Vì vậy, việc tiền đồng chỉ mất giá khiêm tốn 1 – 2% so với USD cho đến thời điểm này còn được xem là khá ổn định.
Vẫn có tâm lý lo ngại
Về cơ bản, đồng nội tệ mất giá có thể gây áp lực lên lạm phát do giá hàng hóa, nguyên vật liệu nhập khẩu sẽ đắt hơn, theo đó kéo chỉ số giá các mặt hàng trong nước tăng tương ứng, đặc biệt là khi giá hàng hóa nói chung và giá dầu nói riêng đang trong thời kỳ hồi phục. Tỷ giá tăng cũng gây áp lực nợ nước ngoài tính quy đổi theo tiền đồng của doanh nghiệp vay đô la Mỹ cũng như của Chính phủ cũng tăng lên, do đó gây áp lực lên các chỉ số giới hạn trần nợ công, nợ nước ngoài của Chính phủ.
Đặc biệt, nếu đồng nội tệ bị mất giá quá mạnh có thể kích hoạt làn sóng tháo chạy của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, điều đã chứng kiến trong những tháng gần đây tại một số nền kinh tế mới nổi và cận biên như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Argentina. Chẳng những vậy, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có thể phần nào bị hạn chế trước những lo ngại rủi ro tỷ giá của các nhà đầu tư và sự thiếu ổn định của nền kinh tế.
Do đó, ổn định thị trường ngoại hối là một trong những mục tiêu quan trọng nhất hiện nay của nhà điều hành, nhất là trong bối cảnh các nền kinh tế như Việt Nam phải đối mặt với thách thức đồng USD mạnh lên trên toàn cầu và rủi ro rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, mặc dù tỷ giá trong 6 tháng qua chỉ mới tăng ở mức tương đối, nhưng với diễn biến tăng nhanh trong những ngày gần đây thì NHNN đã nhanh chóng có những giải pháp can thiệp nhằm ổn định tâm lý thị trường.
Cụ thể là chính sách giảm giá bán USD của Sở giao dịch NHNN vào cuối giờ chiều ngày 3/7 với mức giảm 244 đồng, tương đương 1%, đồng thời tuyên bố sẽ đáp ứng đủ nguồn ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại nếu có nhu cầu. Với kho dự trữ ngoại hối đã tăng mạnh trong thời gian qua, lên đến 63,5 tỷ USD, có thể thấy đây không phải là lời cam kết suông của nhà điều hành.
Dù vậy, sau động thái của NHNN thì đà tăng của tỷ giá vẫn chưa dừng lại, đặc biệt là trên thị trường tự do. Vì vậy, không loại trừ khả năng NHNN sẽ có thêm chính sách can thiệp khác để ổn định giá trị đồng nội tệ, triệt tiêu tâm lý, động lực găm giữ hoặc đầu cơ ngoại tệ trong thời gian tới.