Theo các chuyên gia, hoạt động ngân hàng đầu tư vào trái phiếu của DN đã bị bỏ ngỏ trong nhiều năm. Do đó, đã xảy ra tình trạng rất phổ biến là mua trái phiếu để né quy định về điều kiện và giới hạn cho vay.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã ban hành thông tư “siết” đầu tư trái phiếu DN ở các tổ chức tín dụng (TCTD).
Nhiều rủi ro
Theo tìm hiểu của phóng viên, dư nợ trái phiếu DN của một số “ông lớn” ngân hàng hiện là 15.000 – 20.000 tỷ đồng, một số ngân hàng nhỏ dư nợ khoảng 10.000 tỷ đồng.
Lâu nay, việc đầu tư vào trái phiếu DN được nhiều ngân hàng lựa chọn bởi lãi suất cao hơn nhiều so với cho vay tín dụng, trái phiếu và kỳ phiếu khác. Các ngân hàng có thể dễ dàng lách quy định giới hạn gói cho vay.
Mặt khác, lãi trái phiếu thường trả theo năm và nợ gốc thì trả vào cuối thời hạn nên việc thẩm định, phê duyệt hồ sơ vay vốn, quản lý khoản nợ… đơn giản hơn so với cho vay tín dụng thông thường.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hình thức này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Chẳng hạn, nhiều ngân hàng chưa có dự phòng rủi ro cho đầu tư trái phiếu DN nên khi DN phá sản coi như ngân hàng mất luôn khoản tiền đã đầu tư vào trái phiếu, rủi ro quá hạn trả nợ, nguy cơ nợ xấu…
Thực tế, việc đầu tư vào trái phiếu DN của nhiều ngân hàng đã phải nhận “quả đắng”. Đơn cử như trường hợp của một ngân hàng đã mắc kẹt 500 tỷ đồng (tương đương 500 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu) khi đầu tư theo hình thức trái phiếu vào công ty CP Dịch vụ Hỗ trợ và Phát triển Đầu tư (IOC) – một công ty con của Tập đoàn Đại Dương, với lãi suất cho năm đầu tiên là 15%/năm, với các năm tiếp theo là lãi suất thả nổi.
Tuy nhiên, sau khi ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương bị bắt, ngân hàng này đã có yêu cầu IOC mua lại trái phiếu hoặc nhờ người mua lại trái phiếu đã phát hành, nhưng những yêu cầu này không được thực hiện. Cực chẳng đã, ngân hàng đã phải kiện IOC ra tòa.
Để tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu DN nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, NHNN mới đây đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22 quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu DN. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/8 tới.
Cần thiết phải siết chặt?
Đại diện NHNN cho biết, lý do siết lại việc mua trái phiếu DN nhằm phù hợp với các quy định hiện hành khác của pháp luật liên quan, tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu DN, nhưng cũng phù hợp với tình hình thực tế về hoạt động mua trái phiếu DN của các TCTD.
Cụ thể, quy định mới tại Thông tư 15 là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu DN phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp hạng DN phát hành trái phiếu và ban hành quy định nội bộ về mua trái phiếu DN phù hợp quy định của NHNN.
Trong đó, phải có các quy định kiểm soát nội bộ hoạt động mua trái phiếu DN, đặc biệt là trái phiếu phát hành với mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro theo đánh giá của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm phát hiện các rủi ro, vi phạm pháp luật và đảm bảo khả năng thu hồi tiền gốc, lãi trái phiếu DN.
Đồng thời, quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và chính sách tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực này.
Ngoài ra, Thông tư bổ sung quy định các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu DN phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của DN.
Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình việc “siết” tín dụng đổ vào trái phiếu DN của NHNN, một số ý kiến cho rằng hiện nay, trái phiếu DN vẫn chủ yếu trông chờ vào người mua là các ngân hàng nên với mục đích cơ cấu lại nợ trong Thông tư 15 chắc chắn sẽ thu hẹp cơ hội huy động vốn của các DN.
Ngoài ra, quy định này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến mục tiêu phấn đấu đưa dư nợ thị trường trái phiếu DN đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030 (hiện mới đạt khoảng 1% GDP) của Chính phủ.