Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sắp có hiệu lực dự kiến sẽ mang tới cơ hội nâng cao năng lực quản trị và tài chính cho các NHTM trong nước, đồng thời giúp tiếp cận được các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, qua đó tăng cường về quy mô tín dụng và đa dạng hóa các dịch vụ. Tuy nhiên, nếu không tận dụng tốt thì đây lại chính là những thách thức lớn và có thể khiến các ngân hàng trong nước bị suy giảm thị phần, chảy máu chất xám.
Cơ hội trong tầm với
Đây là nhận định được PGS-TS. Hà Văn Hội, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra tại hội thảo “Hệ thống ngân hàng Việt Nam với việc thực thi Hiệp định CPTPP” do Vụ Hợp tác Quốc tế (NHNN) phối hợp với Tạp chí Ngân hàng tổ chức ngày 24/8/2018.
Cụ thể, việc triển khai các cam kết về mở cửa thị trường, xóa bỏ rào cản đầu tư trong CPTPP sẽ tạo cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực tài chính – ngân hàng. Đặc biệt, nếu tận dụng được các quan hệ hợp tác với các ngân hàng lớn có quy trình hoạt động chuẩn mực đến từ các nước thành viên phát triển trong CPTPP (như Canada, Nhật Bản, Singapore…) thì các NHTM trong nước có thể mở rộng quy mô, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ cũng như tăng cường được năng lực quản lý điều hành. Đồng thời, nếu xếp hạng quốc gia của Việt Nam tiếp tục được cải thiện như thời gian vừa qua sẽ tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng tiếp cận được với các nguồn vốn ủy thác bên ngoài với chi phí thấp hơn.
Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI và hoạt động thương mại được dự báo sẽ gia tăng khi CPTPP có hiệu lực, đó sẽ là cơ hội để các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động, phát triển dịch vụ. Đơn cử như khi xuất nhập khẩu của các DN Việt sang các nền kinh tế CPTPP tăng lên, các NHTM có thể đồng hành bằng cách mở rộng dịch vụ “xuất nhập khẩu trọn gói”.
Ngoài ra theo các nội dung đã cam kết trong lĩnh vực tài chính, một nhà cung cấp dịch vụ của một nước trong CPTPP có thể cung cấp dịch vụ tài chính tại thị trường của một nước thành viên khác nếu các công ty trong nước hoạt động tại thị trường này được phép cung cấp dịch vụ đó. Như vậy, CPTPP mở ra cơ hội cho các NHTM Việt Nam trong tiếp cận thị trường và khách hàng tiềm năng các nước thành viên.
Đấy chỉ là một số trong rất nhiều cơ hội mà CPTPP tạo ra. Tuy nhiên, liệu các ngân hàng trong nước đã sẵn sàng cho việc tận dụng chưa là câu hỏi cần đặt ra. Sử dụng mô hình SWOT (đánh giá điểm mạnh (S), điểm yếu (W), cơ hội (O) và thách thức (T)), PGS-TS. Lê Thanh Tâm – Viện Ngân hàng Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, các ngân hàng nội chủ yếu có những điểm mạnh liên quan đến thị trường trong nước.
Điều này được thể hiện ở các yếu tố như: Có hiểu biết tốt về thị trường nội địa; được khách hàng trong nước tin tưởng (lượng tiền đồng gửi vào liên tục tăng, các ngân hàng nội chiếm tới 92% thị phần huy động và 95% thị phần cho vay)… Trong khi đó, khả năng phục vụ các thị trường bên ngoài còn rất hạn chế với các điểm yếu được chỉ ra như: Mức độ vươn ra thị trường quốc tế còn manh mún; các sản phẩm, dịch vụ cho thị trường quốc tế chưa đa dạng; thương hiệu của hầu hết các ngân hàng chưa mạnh nếu nhìn trên bình diện toàn cầu… Đó là chưa kể đến các yếu điểm khác như quy mô vốn còn rất khiêm tốn, thiếu nhân lực chất lượng quốc tế…
Thách thức cũng sát sườn
Cơ hội là rất lớn song các chuyên gia cũng cho rằng, luôn có những thách thức đan xen và cơ hội luôn có khả năng biến thành thách thức và ngược lại. Hơn nữa, cơ hội hay thách thức không chỉ mở ra hoặc gây áp lực cho Việt Nam mà cho tất cả các nước thành viên.
Đơn cử như các cơ hội đã nêu ra ở trên cũng chính là những thách thức mà các ngân hàng trong nước sẽ phải đối mặt, trước hết là với cạnh tranh khốc liệt hơn ngay tại thị trường nội địa và ở tất cả các mảng hoạt động từ tín dụng tới các dịch vụ, sản phẩm khác. Với hệ thống công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực trình độ cao, tiềm lực tài chính mạnh… cùng với việc được phép cung cấp các dịch vụ tài chính – ngân hàng xuyên biên giới mà không cần có chi nhánh tại Việt Nam thì sẽ có không ít các ngân hàng lớn từ các nền kinh tế phát triển thành viên trong CPTPP có thể tham gia, cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường “sân nhà” vốn lâu nay vẫn thuộc về các ngân hàng trong nước.
Bởi vậy, để thực thi CPTPP hiệu quả, PGS-TS. Lê Thanh Tâm cho rằng, các ngân hàng nội cần tận dụng tối đa các điểm mạnh sẵn có để vượt qua các thách thức. Trong đó, cần tận dụng sự am hiểu về thị trường nội địa và niềm tin của khách hàng nội địa để ứng phó với cạnh tranh từ các ngân hàng nước ngoài. Cùng với đó, cần xây dựng chính sách đầu tư và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các luật sư giỏi trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng để tránh nguy cơ bị các ngân hàng nước ngoài thu hút ngược nhân lực cũng như nguy cơ bị chi phối và thâu tóm.
Ở tầm vĩ mô, PGS-TS. Phạm Tiến Đạt – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính – Bộ Tài chính nhấn mạnh đến việc cần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và nâng cao năng lực vận hành của hệ thống. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xử lý nợ xấu còn tồn đọng (thông qua việc hoàn thiện và củng cố thị trường mua bán nợ) và xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao năng lực giám sát và quản lý của các cơ quan quản lý.
Trong bài viết được đưa ra trong kỷ yếu của hội thảo này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng: “Tham gia vào “sân chơi” như CPTPP vừa là cơ hội, vừa là áp lực và cả động lực để các cơ quan quản lý và các tổ chức tài chính trong nước không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh… Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng cần tiếp tục nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ thể chế, nâng cao năng lực xây dựng và hoạch định chính sách, thanh tra giám sát và quản lý hệ thống, tăng cường minh bạch hóa thông tin, đẩy mạnh cải cách, hội nhập với hệ thống tài chính khu vực và thế giới, không ngừng nâng cao năng lực, áp dụng chuẩn mực quốc tế để đảm bảo thực hiện tốt vai trò làm kênh dẫn vốn hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội”.