Thưa Phó Thống đốc, gần đây có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có thể trở thành một công xưởng mới của thế giới. Nhìn nhận của ông về vấn đề này?
Không phải quốc gia nào cũng có thể phát triển thành TTCBCT của thế giới. Nghiên cứu thực tiễn cho thấy, thông thường chỉ những quốc gia nắm bắt được thời cơ và hội đủ bốn điều kiện trụ cột về kinh tế – xã hội sau mới có thể trở thành TTCBCT của thế giới: Có các trung tâm công nghiệp, thương mại có lợi thế về địa lý, tài nguyên, công nghệ và nhân lực.
Có mạng lưới cơ sở hạ tầng khá phát triển để đáp ứng yêu cầu phát triển của các khu công nghiệp; Có hạ tầng tài chính có khả năng cung ứng dịch vụ tài chính, ngân hàng (TC-NH) một cách đầy đủ, tiện ích và an toàn; Quyết tâm của Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế thành TTCBCT thế giới.
Nhìn dưới những góc độ đó, Việt Nam đang hội đủ các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để trở thành TTCBCT mới của thế giới trong khoảng 15-20 năm nữa.
Phó Thống đốc vừa đề cập đến một trong những yếu tố nền tảng để có thể trở thành TTCBCT là hệ thống TC-NH. Vậy vai trò của ngành NH thể hiện ở những yếu tố nào?
Hệ thống TC-NH là một trụ cột không thể thiếu để một quốc gia phát triển thành TTCBCT của thế giới. Tùy vào cấu trúc tài chính của mỗi nước mà thị trường chứng khoán hay khu vực NH giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng tài chính cho quá trình phát triển này. Như tại Mỹ, Anh, Hàn Quốc… thị trường chứng khoán đóng vai trò chủ đạo, song Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ lại dựa vào hệ thống NH.
Riêng đối với hệ thống dịch vụ thanh toán, ngoại hối, ổn định lạm phát, tỷ giá thì luôn thuộc về hệ thống NH. Vì thế, ngành NH giữ vai trò đặc biệt quan trọng để các quốc gia phát triển thành công TTCBCT của thế giới.
Vai trò này thể hiện trên các khía cạnh như: Chính sách tiền tệ của NHTW với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là điều kiện cần thiết hỗ trợ phát triển công nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu; Ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối để thu hút các DN FDI và hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu; Quản lý mức độ tự do hóa giao dịch vốn; Chính sách tín dụng ưu tiên hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp non trẻ, công nghiệp ưu tiên; Chính sách đối với các ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển cơ sở hạ tầng; Phát triển hệ thống thanh toán hiện đại đáp ứng yêu cầu thanh toán tăng nhanh của nền kinh tế.
![]() |
Việt Nam đang hội đủ các điều kiện để trở thành TTCBCT mới của thế giới |
Thời gian vừa qua, hệ thống NH Việt Nam đã làm được những gì để thiết lập được những điều kiện nền tảng này thưa Phó Thống đốc?
Ngành NH đã có đóng góp quan trọng trong thiết lập điều kiện nền tảng cho phát triển Việt Nam thành TTCBCT mới của thế giới. Điều này thể hiện trên một số khía cạnh: Bảo đảm ổn định tiền tệ, góp phần ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô, góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của nhà đầu tư. Lạm phát được đẩy lùi và kiểm soát ở mức hợp lý.
Từ chỗ diễn biến phức tạp, bất ổn và ở mức rất cao (18,13% năm 2011), lạm phát đã giảm xuống mạnh và liên tục, ước chỉ khoảng 2,5% năm 2015. Tỷ giá VND/USD được duy trì ổn định, rủi ro tỷ giá ở mức thấp.
Ngoại trừ đợt điều chỉnh tỷ giá vào tháng 8/2015 để đối phó với chính sách phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, tỷ giá VND/USD từ 2012 đến nay khá ổn định. Các đợt điều chỉnh tỷ giá ở mức thấp và đều nằm trong phạm vi cam kết điều hành tỷ giá hàng năm của NHNN.
Kế đến, hệ thống thanh toán đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thanh toán nhanh, an toàn của nền kinh tế. Hệ thống thanh toán điện tử liên NH (IBPS) được nâng cấp, hiện đại hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, trở thành hệ thống thanh toán trung tâm, cốt lõi trong hệ thống thanh toán của Việt Nam.
Với năng lực xử lý đến 2 triệu giao dịch/ngày, hệ thống thanh toán IBPS có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu giao dịch thanh toán điện tử liên NH giá trị cao một cách kịp thời, an toàn trong nhiều năm tới.
Ngoài ra, NH đảm nhận vai trò kênh dẫn vốn chủ đạo đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Tuy độ sâu hệ thống tài chính tăng lên qua các năm, nhưng trong cơ cấu vốn cung ứng cho nền kinh tế thì tín dụng NH vẫn chiếm tỷ trọng cao (dao động trong khoảng 75-80%).
Đến cuối năm 2014, vốn tín dụng NH chiếm đến 76% vốn của hệ thống tài chính cung ứng cho nền kinh tế. Như vậy, hệ thống NH vẫn là kênh dẫn vốn chủ đạo đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Thêm nữa, vốn tín dụng NH chú trọng đầu tư cho các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên phát triển của Nhà nước. Năm lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; DNNVV; DN ứng dụng công nghệ cao) mà dòng vốn tín dụng của NH đang hướng vào cũng chính là những ngành, lĩnh vực được các nhà kinh tế khuyến nghị Việt Nam chú ý khi phát triển thành TTCBCT của thế giới.
Bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới cung ứng dịch vụ NH phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của nền kinh tế. Đến cuối năm 2014, cả nước có hơn 16.000 máy ATM và 172.000 máy POS/ECD. Hệ thống mạng lưới truyền thống cũng được chú trọng phát triển, với mức tăng gần gấp 3 lần so với năm 2005.
Nhiều NH có danh tiếng toàn cầu và khu vực như Citibank, HSBC, StandardChartered, ANZ… đã hiện diện và kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam trong khi một số NH Việt Nam cũng đã có sự hiện diện ở nước ngoài. Đây là những điều kiện nền tảng quan trọng cho hoạt động thanh toán quốc tế và dịch vụ NH trong quá trình phát triển TTCBCT mới của thế giới tại Việt Nam.
Đồng thời là chú trọng phát triển hoạt động hợp tác quốc tế ngành NH, thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam. Cùng với hàng loạt công việc trên, ngành NH cũng chú trọng hoạt động hợp tác quốc tế để thu hút nguồn vốn từ các tổ chức tài chính lớn của thế giới.
Hoạt động tìm kiếm đối tác hợp tác, nhà tài trợ tiềm năng, gia nhập các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài đang được tích cực triển khai và thu được kết quả khả quan.
Và Phó Thống đốc có thể cho biết những công việc mà ngành NH sẽ tập trung thời gian tới để tạo nền tảng tài chính cho nước ta thực sự trở thành TTCBCT mới?
Trong thời gian tới, ngành NH đang và sẽ làm tốt những công việc như sau: Một là, hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền. Điều hành chính sách tiền tệ của NHNN tập trung cho ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền và tỷ giá để các DN yên tâm đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
NHNN thực hiện theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tài chính tiền tệ trong nước và nước ngoài để đưa ra các dự báo chính xác về kinh tế vĩ mô; trên cơ sở đó sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH nhằm đạt được các mục tiêu về chỉ số lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng bền vững.
Hai là, ưu tiên đầu tư mở rộng tín dụng ngành chế tạo, chế biến gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả tín dụng. Tiếp tục duy trì các chính sách tín dụng ưu đãi đối với các đối tượng DN được Chính phủ ưu tiên phát triển. Trong đó đặc biệt quan tâm đến các DNNVV, DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ, DN xuất khẩu có nguyên liệu đầu vào là sản phẩm nông – lâm – thủy – hải sản, các DN thuộc các ngành công nghiệp còn non trẻ.
Ba là, thực hiện chính sách thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài gắn với an ninh tiền tệ quốc gia. Thực hiện lộ trình tự do hóa các giao dịch vốn phù hợp với cam kết quốc tế gắn với đảm bảo kiểm soát hiệu quả luồng vốn ngoại tệ. Hạn chế tối đa rủi ro liên quan đến luồng vốn ra – vào, đặc biệt là các luồng vốn quốc tế gián tiếp.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay từ các chương trình, dự án của WB/ADB. Tăng cường khai thác hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế, các đối tác song phương và đa phương để thu hút nguồn lực tài chính, góp phần hỗ trợ phát triển TTCBCT của thế giới tại Việt Nam.
Bốn là, phát triển dịch vụ thanh toán NH trên nền tảng công nghệ hiện đại, đảm bảo tính tiện ích, hiệu quả và an toàn cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thanh toán. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến cho hạ tầng công nghệ thông tin và nghiệp vụ của ngành NH theo định hướng phát triển Chính phủ điện tử.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, phát triển các chi nhánh NH điện tử; xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát, tổng hợp thông tin về các giao dịch xuyên biên giới tập trung. Triển khai các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, an ninh bảo mật để ngăn chặn các tấn công mạng.
Mở rộng, nâng cấp, duy trì hoạt động thông suốt, hiệu quả hệ thống thanh toán điện tử liên NH; xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống thanh toán bù trừ tự động cho các giao dịch bán lẻ; xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn thẻ quốc gia. Nghiên cứu và triển khai dịch vụ thanh toán điện tử với hải quan, giúp giảm bớt các thủ tục cho DN và giúp hàng hóa thông quan kịp tiến độ.
Năm là, tiếp tục mạnh mẽ công cuộc tái cơ cấu NH để đảm bảo sự an toàn, lành mạnh và hiệu quả của hệ thống NHTM, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ NH để thỏa mãn tốt hơn nữa nhu cầu hết sức đa dạng của khách hàng.
Sáu là, nâng cao hiệu quả của công tác giám sát an toàn vĩ mô, hiệu quả hoạt động của hệ thống thanh tra, giám sát NH. Hoàn thiện khung giám sát và phân tích an toàn vĩ mô nhằm nhận dạng, đánh giá và cảnh báo kịp thời các rủi ro tiềm tàng đối với hệ thống tài chính. Tăng cường hiệu quả phối hợp với các cơ quan giám sát chuyên ngành, các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính quốc gia và với các tổ chức quốc tế.
Với những việc đã làm và những định hướng lớn như vậy, tôi có thể khẳng định, ngành NH Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục là những “bà đỡ mát tay” cho các dự án hiệu quả và khả thi để góp phần cho Việt Nam có thể sớm trở thành TTCBCT mới của toàn cầu.
Xin cảm ơn Phó Thống đốc!