Trên thực tế, nỗi lo về một cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung được nhắc tới cách đây ít tháng, khi con số thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc được công bố ở mức hơn 375,5 tỷ USD trong năm 2017 và hơn 119 tỷ USD chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, sau đó tình hình dịu đi và giới chuyên gia cho rằng, chẳng dễ gì, Mỹ và Trung Quốc lại để xảy ra cuộc chiến thương mại, bởi điều đó không có lợi cho đôi bên.
Nhưng “cuộc chiến” có nguy cơ leo thang, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tiếp tục công bố các kế hoạch áp mức thuế suất 10% đối với gói hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá tới 200 tỷ USD.
Động thái này nhằm đáp lại hành động trả đũa mới đây của Trung Quốc đối với gói thuế quan thứ nhất của Mỹ, theo đó Washington sẽ đánh 25% thuế nhập khẩu lên 50 tỷ USD hàng Trung Quốc, áp dụng từ ngày 6/7. Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế trị giá 50 tỷ USD đối với hàng hóa của Mỹ.
Cuộc đối đầu xem ra ngày càng căng thẳng, với các biện pháp cứng rắn của cả hai bên. Điều này đang làm dấy lên mối quan ngại về một cuộc chiến thương mại trên diện rộng giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thậm chí, dù vẫn còn có ý kiến cho rằng, có thể đó chỉ là “đòn gió” của hai bên, song rõ ràng, Mỹ và Trung Quốc sẽ không dễ dàng giải quyết các bất đồng thương mại trong một sớm một chiều.
Nếu vậy, hệ lụy sẽ không nhỏ. Đầu tiên là các phiên giảm điểm ở thị trường phố Wall. Song hệ lụy tiềm ẩn đáng lo nhất không chỉ là những ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế của hai nền kinh tế này, mà còn ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu trong bối cảnh bắt đầu có những cảnh báo về mối nguy “chu kỳ khủng hoảng 10 năm”. Một khi điều này xảy ra, kinh tế Việt Nam hẳn nhiên sẽ chịu tác động do độ mở rất cao (lên tới 193% GDP).
Ở một góc nhìn khác, có thể thấy rằng, dù trước mắt, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chưa ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam, nhưng ảnh hưởng gián tiếp là khó tránh, khi cả Mỹ và Trung Quốc đều là những bạn hàng lớn của Việt Nam. Chưa nói tới chuyện tăng – giảm kim ngạch xuất nhập khẩu, nguy cơ hàng Trung Quốc “lách cửa” để xuất khẩu qua Việt Nam cũng có thể xảy ra.
Khi Mỹ đang gia tăng áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại, áp thuế chống bán phá đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, thì cộng với yếu tố trên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị tác động không nhỏ. Đó là chưa kể, hàng loạt chính sách mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng có thể tác động tới dòng đầu tư, dòng tài chính toàn cầu và sẽ tác động tới Việt Nam.
Tất cả động thái và nguy cơ trên đang đòi hỏi Việt Nam phải thận trọng và tỉnh táo, cũng như nhanh nhạy và chủ động có biện pháp ứng phó, không chỉ với “cuộc chiến” thương mại Mỹ – Trung, mà còn với hàng loạt vấn đề gần đây của kinh tế toàn cầu, như chuyện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất đồng USD, xu thế bảo hộ thương mại gia tăng, thậm chí cả nguy cơ chu kỳ khủng hoảng 10 năm quay trở lại… Chỉ khi có phản ứng chính sách nhanh nhạy, chủ động và chính xác, Việt Nam mới có thể hạn chế được những rủi ro, đảm bảo nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, bền vững.