Kết quả kinh doanh của tổng công ty SCIC hàng năm được công bố thông tin rất hạn chế, chỉ có vài số liệu chính về doanh thu, lợi nhuận…
Năm 2016, SCIC đã bắt đầu “cởi mở” cung cấp thông tin và mới đây, công bố một phần của báo cáo tài chính riêng công ty mẹ, báo cáo hợp nhất của năm 2015, nhưng “quên” phần thuyết minh chi tiết.
Lãi ròng 7.850 tỷ đồng
Các báo cáo tài chính đã hé lộ kết quả kinh doanh của “siêu tổng công ty” SCIC với những số liệu tăng trưởng rất ấn tượng. Cụ thể, theo BCTC hợp nhất năm 2015, doanh thu hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn tăng gần gấp đôi so với năm 2014, đạt 10.532 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 8.667 tỷ đồng, tăng tới 44,6% so với năm 2014 (đạt 5.993 tỷ đồng).
Chi phí hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn cũng tăng gấp đôi, lên tới 1.865 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp duy trì như năm cũ là 146 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận thuần trong năm 2015 của SCIC được cải thiện đáng kể, đạt 8.520 tỷ đồng, tăng 45,6% so với năm 2014. Riêng phần lãi từ các công ty liên doanh, liên kết năm 2015 lại bị giảm mạnh chỉ đạt 58,9 tỷ đồng so với mức 152 tỷ đồng đạt được của năm 2014.
Kết quả, tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 8.580 tỷ đồng, cao hơn số liệu được công bố hồi tháng 1/2016 chỉ đạt 8.414 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế là 7.850 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2014 và vượt 39% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 24,45%.
Tại thời điểm 31/12/2015, tổng tài sản của SCIC tăng nhẹ so với đầu năm khoảng 2.120 tỷ đồng, lên mức 73.263 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn là gần 40.500 tỷ đồng, giảm 31% so với đầu năm và tài sản dài hạn đạt hơn 32.763 tỷ đồng.
Năm 2015, vốn chủ sở hữu của SCIC tăng đáng kể từ mức 31.485 tỷ đồng cuối năm 2014, lên tới 35.094 tỷ đồng cuối năm 2015 (tức tăng thêm 3.609 tỷ đồng). Cụ thể, vốn điều lệ tăng lên 21.108 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển hơn 13.276 tỷ đồng, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp có hơn 384 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối 326 tỷ đồng…
Theo báo cáo tổng kết năm 2015, SCIC cho biết đã đẩy mạnh hoạt động bán vốn nhà nước tại 120 doanh nghiệp, thu về 4.491 tỷ đồng trên giá vốn 1.682 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 2,7 lần). Đến cuối năm 2015, danh mục quản lý của SCIC còn 197 DN với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 20.020 tỷ đồng, chiếm 23% vốn điều lệ, với giá trị thị trường đạt khoảng 95.697 tỷ.
Hoạt động đầu tư vốn của SCIC trong năm 2015 cũng có kết quả khả quan, giải ngân được hơn 8.000 tỷ đồng vốn. Bên cạnh đó, SCIC cũng mở rộng đầu tư tài chính, triển khai một số dự án lớn như: dự án số 29 Liễu Giai, dự án Tháp truyền hình hợp tác với VTV, dự án bệnh viện nhi TƯ, nhà máy sản xuất vắc-xin quy mô công nghiệp…
Kiếm tiền từ sữa, dược phẩm
Với sứ mệnh đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước và tiềm lực tài chính mạnh, trong 8 năm qua, “siêu tổng công ty” SCIC đã liên tục tăng trưởng quy mô vốn, lợi nhuận, tỷ suất sinh lời cao… Vốn nhà nước không chỉ được bảo toàn mà còn gia tăng nhờ hoạt động đầu tư có hiệu quả.
Được biết, SCIC hiện chỉ có một công ty con nắm sở hữu trên 50% vốn điều lệ là SCIC Investment và 6 công ty liên kết (sở hữu trên 20%). Thực tế, SCIC còn có nhiều khoản đầu tư lớn vào các DN đầu ngành như dược phẩm, sữa, công nghệ thông tin, ngân hàng, cảng biển… Nhất là đầu tư vào DN lớn như Vinamilk, Dược Hậu Giang, ngân hàng Quân Đội…
Hiện, SCIC cũng đang sở hữu cổ phần lớn tại 10 công ty lớn như FPT, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, công ty CP xuất nhập khẩu Sa Giang, Vinaconex, Gemadept… Theo kế hoạch, SIC sẽ thoái vốn khỏi các DN trong năm 2016.
Trong số này, SCIC hiện đang nắm giữ 6% cổ phần tại FPT, tương đương 23,9 triệu cổ phiếu. Tính theo giá thị trường cổ phiếu FPT là 40.800 đồng/CP, thì sau thoái vốn thành công, SCIC sẽ thu về khoảng 975 tỷ đồng.
Nhiều năm qua, các khoản đầu tư vào những DN lớn cũng đã đem lại khoản cổ tức “khủng” cho SCIC. Đơn cử, FPT duy trì chính sách cổ tức cao (năm 2013: 55%, năm 2014: 35%, năm 2015: 35%) nên cổ đông SCIC được nhận cổ tức rất lớn, riêng năm 2015, cổ tức khoảng 83,6 tỷ đồng.
Nhưng nguồn cổ tức “khủng” phải kể đến là từ “bò vàng” Vinamilk, trong năm 2015, ước tính SCIC đã thu về hơn 2.700 tỷ đồng cổ tức và dự kiến cổ tức tối thiểu của năm 2016 là 3.200 tỷ đồng.
Tương tự, SCIC hiện là cổ đông lớn sở hữu tới 43,42% vốn điều lệ của Dược Hậu Giang – công ty đầu ngành dược, có kết quả kinh doanh rất tốt. Năm 2015, Dược Hậu Giang báo lãi sau thuế 592,6 tỷ đồng và mạnh tay chia cổ tức tới 35%, tương ứng tiền cổ tức 304 tỷ đồng. Trong số này, phần cổ tức chia cho SCIC chiếm tới 132 tỷ đồng.
Một nguồn thu lớn của SCIC còn đến từ các khoản tiền gửi, tiền đầu tư trái phiếu. Năm qua, do mặt bằng lãi suất thấp nên các khoản lợi tức này cũng giảm nhẹ, còn khoảng 1.040 tỷ đồng.