Nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Trong bối cảnh đó, thông tin về việc NHTM có vốn nhà nước có kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài để tăng vốn điều lệ cũng tạo kỳ vọng có sự đổi mới tại các NH này.
BIDV sắp có đối tác ngoại?
Cuối tuần qua, nhiều trang tin điện tử tại Việt Nam đã dẫn nguồn tin từ trang BusinessKorea (Hàn Quốc) cho biết, Tập đoàn tài chính KEB Hana đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam thông qua việc mua cổ phần của BIDV. Hợp đồng này gần như đã được chốt khi bước cuối cùng của quá trình đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận.
Theo đó, BIDV sẽ phát hành cổ phiếu mới để bán cho KEB Hana Bank, một đơn vị trực thuộc Tập đoàn tài chính KEB Hana. Trước đó, vào ngày 5-1, trong cuộc gặp gỡ với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ông Kim Jung Tai, Chủ tịch Tập đoàn tài chính KEB Hana cho biết, KEB Hana đang hợp tác tích cực với BIDV trong lĩnh vực tài chính nhằm gia tăng giá trị của mỗi bên và giúp BIDV phát triển các dịch vụ tài chính, tín dụng trong thời gian tới.
Tại buổi tiếp đón này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và chào đón các nhà đầu tư Hàn Quốc, trong đó có Tập đoàn tài chính Hana tới đầu tư, góp phần phát triển đa dạng thị trường tài chính của Việt Nam. Hana có thể tham gia mạnh mẽ vào hoạt động tái cơ cấu NH tại Việt Nam hiện đang được hoàn thiện bằng các khuôn khổ pháp lý cao nhất.
Trong một báo cáo phát hành vào cuối tháng 2-2018, CTCP Chứng khoán TPHCM (HSC) cũng đưa ra dự báo, kế hoạch tăng vốn của BIDV có vẻ đang ở những bước chuẩn bị cuối cùng với phương án bán vốn cổ phần cho đối tác và hiện đang chuẩn bị tài liệu để nhận được phê duyệt chính thức. Đây sẽ là phương án phát hành vốn cấp 1, do không giống như các NH khác BIDV không thể tăng vốn cấp 2 hơn nữa.
Dự báo quy mô tăng vốn khoảng 15% vốn mới. Việc tăng vốn là nhu cầu vô cùng cấp thiết, do hệ số CAR của BIDV đã giảm về mức tối thiểu cho phép trong những năm gần đây. Các chuyên gia phân tích thị trường cho rằng, nếu thương vụ này thành công sẽ giải tỏa được áp lực phải tăng vốn do hệ số CAR tính theo Basel 1 đã ở mức thấp trong một thời gian khá dài.
Cửa vẫn đang mở
Thông tin đồn đoán về thương vụ của BIDV và KEB Hana một lần nữa gợi nhớ về trường hợp của Vietcombank và Quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC) hồi tháng 8-2016. Thời điểm đó, Vietcombank và GIC đã ký kết bản thỏa thuận ghi nhớ, theo đó GIC sẽ mua 7,73% cổ phần tính trên toàn bộ cổ phần của Vietcombank.
Tuy nhiên, cuối cùng thương vụ này không thành công vì không thỏa thuận được giá. Theo quy định, việc thoái vốn của các đơn vị thuộc sở hữu nhà nước phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định, trong đó có điều kiện giá giao dịch phải lớn hơn giá trị định giá và giá cổ phiếu trên sàn giao dịch ngày hôm trước khi thực hiện mua bán. Do không có sự nhượng bộ về giá giữa hai bên, quá trình đàm phán đã dừng lại.
Hiện Vietcombank đang có kế hoạch bán hơn 350 triệu cổ phiếu (tương ứng 10% cổ phần) cho nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2018 thông qua hình thức phát hành riêng lẻ hoặc được đấu giá công khai, sau khi nhận được chấp thuận từ Chính phủ. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, GIC vẫn là một trong những nhà đầu tư tiềm năng và đối tác hiện hữu Mizuho (Nhật Bản) đang sở hữu 15% cổ phần của Vietcombank sẽ được phép mua thêm cổ phần để duy trì tỷ lệ này ở Vietcombank.
Hiện nay, xu hướng nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào các NH Việt Nam đã dần dần khởi sắc trở lại. Chẳng hạn như VPBank đã bán 23% cổ phần cho 100 nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2017, LienVietPostBank hiện khóa room cho khối ngoại ở mức 5% để thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. HĐQT OCB công bố đã thông qua tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 23,66% vốn điều lệ vào cuối năm 2017.
Sau khi mua lại cổ phần của HSBC làm cổ phiếu quỹ trong năm 2017, Techcombank cũng đã sớm tìm đối tác mới để mua lại số cổ phần này. Cụ thể, tại đại hội cổ đông vừa diễn ra, Techcombank đã xin ý kiến về việc bán tối đa 158,8 triệu cổ phiếu (một phần trong số cổ phiếu quỹ mà NH này đang nắm giữ sau khi mua lại từ cổ đông HSBC vào cuối năm ngoái) cho nhà đầu tư nước ngoài.
HĐQT Techcombank đã công bố đối tác đi đến vòng đàm phán là các nhà đầu tư thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Giá bán cổ phiếu quỹ mà NH này đưa ra không thấp hơn 23.445 đồng/cổ phần và dự kiến thực hiện vào quý I và quý II-2018. Techcombank cũng sẽ mở giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài để đảm bảo cho quá trình bán vốn sắp tới của NH.
Tuy nhiên, với các NHTM có vốn nhà nước, mặc dù thông tin về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cũng sôi động không kém, nhưng chưa có thương vụ nào tiến đến hiện thực trong khi yêu cầu tăng vốn lại rất cấp thiết vì hệ số CAR đang giảm nhanh, vốn tự có dự kiến cần tăng lên phải gấp 1,8-2 lần so với thời điểm hiện tại mới có thể đáp ứng quy định của Basel 2.
Theo các chuyên gia, nếu thật sự muốn đạt được mục tiêu bán cổ phần của NHTM có vốn nhà nước cho nhà đầu tư ngoại không thể cứng nhắc như trước được nữa. Chẳng hạn như phải linh hoạt hơn về giá, rút ngắn thời gian xin phép, phê duyệt, kiểm tra này để hai bên sớm đi đến thỏa thuận hợp tác để các NH này kịp thời tăng vốn, đáp ứng các tỷ lệ an toàn…