Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2018 của Hanoimilk được Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY điều chỉnh từ -0,8 tỷ đồng thành -11,4 tỷ đồng (xem bảng). Với kết quả này, lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của Công ty thời điểm cuối tháng 6/2018 là 36,8 tỷ đồng.
Cùng với đó, đơn vị kiểm toán đã đưa ra một số lưu ý trong quá trình soát xét báo cáo tài chính của Hanoimilk.
Nhiều khoản mục khó xác định
Tại mục các khoản đầu tư tài chính, Hanoimilk đang ghi nhận khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Sữa Tự Nhiên với số tiền 27 tỷ đồng, tương ứng 18% tổng vốn góp.
Tuy nhiên, kiểm toán không tiếp cận được báo cáo tài chính của Sữa Tự Nhiên nên không xác định được liệu có cần thiết điều chỉnh trích lập dự phòng tổn thất khoản đầu tư này hay không.
Kiểm toán cũng không thu thập được các bằng chứng thích hợp về giá trị có thể thu hồi cho khoản phải thu là phần tạm ứng cho các nhân viên đã nghỉ việc và các nhân viên đang làm việc, với tổng giá trị lần lượt là 29,8 tỷ đồng tại thời điểm 31/1/2017 và và 13,2 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2018. Do đó, kiểm toán không xác định được khả năng thu hồi của các khoản mục này.
Do giới hạn ở phạm vi soát xét và các tài liệu hiện có của Hanoimilk, kiểm toán không xác định được tính đầy đủ và giá trị có thể thu hồi của số dư hàng tồn kho (tính đến 30/6/2018 là 165,3 tỷ đồng) cũng như không xác định được tính hiện hữu và giá trị có thể thu hồi của một số tài sản bao gồm tủ mát thuộc chi phí trả trước, bò sữa thuộc tài sản cố định và bê non thuộc chi phí xây dựng cơ bản dở dang, với giá trị còn lại tại ngày 30/6/2018 lần lượt là 613,7 triệu đồng, 2,9 tỷ đồng và 600 triệu đồng.
Tại mục phải trả nhà cung cấp thời điểm 31/12/2017 và 30/6/2018, Hanoimilk có khoản phải trả các hộ nông dân với giá trị lần lượt là 13,8 tỷ đồng và hơn 12 tỷ đồng; khoản phải trả Công ty Thiết bị Hàng Châu (Trung Quốc) tại ngày 30/6/2018 là 1,66 tỷ đồng, khoản phải trả Công ty cổ phần Hoàng Mai Xanh tại ngày 30/6/2018 là 15,6 tỷ đồng. Phía kiểm toán không xác minh được tính hiện hữu, đầy đủ của các số dư này.
Giải thích về những ý kiến ngoại trừ nêu trên, Hanoimilk cho biết, đơn vị kiểm toán là UHY không có thời gian tham gia vào quá trình kiểm kê hàng tồn kho nên đưa ra ý kiến ngoại trừ.
Tương tự như vậy đối với một số tài sản như hệ thống tủ mát đang được đầu tư tại các điểm bán ngoài thị trường và đàn bê non đang gửi trên trang trại của Công ty Bò sữa. Về mục phải trả cho người bán, do một số khách hàng ở nước ngoài nên kiểm toán không kịp thời thu thập được thư xác nhận công nợ.
Nợ thuế và bảo hiểm
Theo thông báo ngày 13/7/2018 của Chi cục Thuế huyện Mê Linh, Hà Nội, tính đến thời điểm 30/6/2018, số tiền Hanoimilk chậm nộp và số tiền phạt hành chính trong lĩnh vực thuế lần lượt là 9,3 tỷ đồng và 168 triệu đồng.
Ngoài ra, Hanoimilk còn có số tiền lãi phạt hơn 2,58 tỷ đồng về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo kết quả của Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, Hanoimilk vẫn đang trong quá trình làm việc với cơ quan thuế và bảo hiểm để xác định chính xác số tiền chậm nộp và tiền phạt (Hanoimilk cho rằng, việc phát sinh các khoản phạt và chậm nộp thuế từ năm 2008 trở về trước là do cách hiểu khác nhau giữa Cục Thuế Hà Nội và Cục Thuế Vĩnh Phúc), nên các khoản trên chưa được ghi nhận vào báo cáo tài chính bán niên 2018. Việc ghi nhận thêm các khoản lãi phạt sẽ làm tăng chi phí khác trên báo cáo kết quả kinh doanh.
Với số liệu được điều chỉnh sau soát xét, con đường hoàn thành mục tiêu năm 2018 của Hanoimilk xa thêm.
Kế hoạch kinh doanh được Đại hội đồng cổ đông Hanoimilk thông qua là 242 tỷ đồng doanh thu và hơn 2,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Hiện cổ phiếu HNM đang nằm trong diện bị cảnh báo trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, thị giá dao động phổ biến trong khoảng 3.200 – 3.400 đồng/cổ phiếu.