Bên lề đại hội cổ đông diễn ra cuối tuần qua, người đứng đầu Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) có dịp trải lòng với nhà đầu tư về hành trình từ một đại gia địa ốc đến trồng cao su, mía đường, nuôi bò rồi bất ngờ rẽ sang trồng cây ăn trái.
Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức tự nhận từng ngồi trên núi tiền với ngôi vị số một khi bất động sản còn ở thời hoàng kim (năm 2007-2008) và canh cánh trong lòng phải vươn xa hơn, phải làm nông nghiệp công nghệ cao quy mô đại công trường. Những thay đổi của thời cuộc đưa ông đến với rừng cao su, trồng mía, sản xuất đường. Việc nhập bò về nuôi và buôn đàn gia súc này vốn đã là một bước ngoặt lớn.
Song so với hiện nay, hình ảnh ông chủ HAGL lúc nào cũng tất bật “chạy” tiền trồng cây ăn trái là những thái cực ít ai ngờ tới. Dù làm gì, Bầu Đức đều đặt vào đó quyết tâm không gì lay chuyển được. Ở mảng trồng cây ăn trái còn được xem là mới mẻ này, một lần nữa, ông Đức lại đặt cược, dồn toàn lực cho vườn chuối, chanh dây, ớt, thanh long, mít, bưởi, xoài…
Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu câu chuyện bằng nỗi hoài nghi về thị trường tiêu thụ nông sản khổng lồ của nước láng giềng Trung Quốc. Ông chia sẻ, thoạt đầu không tin có thể buôn được hàng ở thị trường rộng lớn này vì thấy nông sản Việt Nam thỉnh thoảng lại ùn ứ, bị trả về và lỗ to ở cửa khẩu. “Thế nhưng khi khảo sát thực địa, nhận thấy cả thế giới đang thèm khát thị trường tỷ dân của Trung Quốc, tôi không còn băn khoăn nữa. Tôi nhận ra thật sự mình không cung cấp nổi nhu cầu siêu lớn của họ”, ông Đức mở lời.
Bầu Đức kể đã phát hiện ra những quy luật thú vị để mở đường tìm đầu ra cho cây ăn trái (chủ yếu là cây chuối) của Hoàng Anh Gia Lai. Thứ nhất, hoa quả, cây ăn trái ai mà không ăn? Nhu cầu này cấp thiết hàng ngày và không thể dừng lại được, đặc biệt đối với thị trường tỷ dân như Trung Quốc.
Quy luật thứ hai, nếu hàng ra đến Thượng Hải, Bắc Kinh, Đại Liên… tức những thành phố lớn, phát triển bậc nhất Trung Quốc, thì được xếp ngang hàng với chuẩn châu Âu, giá cao và không lo bị chèn ép. Còn hàng đi qua cửa khẩu (điển hình là Lạng Sơn) theo đường tiểu ngạch thì giá rẻ hơn rất nhiều, do chất lượng, tiêu chuẩn không thể sánh bằng và vì thế cũng bị ép giá thậm chí trả về. Thứ ba, cây ăn trái nhiệt đới ngon hơn hẳn xứ lạnh và có quanh năm.
Chuối của HAGL xuất bán một năm có hai khung giá, từ tháng 4 đến tháng 8 giá bán dao động 13.000 -14.000 đồng một kg. Còn những tháng lạnh (tức từ tháng 9 -10 trở đi đến tháng 2 – 3 năm sau) giá chuối lên rất cao, ở ngưỡng 22.000 – 23.000 đồng một kg. Lý do có 2 khung giá trong một năm là Trung Quốc có mùa đông kéo dài. Khi thời tiết lạnh dần và vườn cây đóng băng, thị trường này không có chuối để bán. Khan hàng nên giá đội lên gần gấp đôi so với mùa nóng.
Vấn đề còn lại là giá thành bao nhiêu mới có lãi. Về khoản này, ông Đức khẳng định, tập đoàn không lo, vì giá thành phẩm đưa chuối ra thị trường không vượt quá 8.000 đồng một kg, bán được 14.000 – 23.000 đồng một kg. “Nói nôm na là mua tận gốc bán tận ngọn, bán giá nào cũng có lãi”, ông nói.
Bầu Đức cũng thừa nhận đã bị chất vấn rất nhiều về rủi ro của việc bán chuối sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, ông đánh giá, chuối không có rủi ro do nhu cầu ăn hoa quả của một thị trường một tỷ dân vô cùng lớn. Thị trường tiêu thụ này hiện có rất nhiều quốc gia cung ứng, không riêng gì Hoàng Anh Gia Lai đại diện cho Việt Nam mà còn có Philippines và một số quốc gia Nam Mỹ nhưng cung vẫn không đủ cầu. Rủi ro duy nhất là họ không ăn chuối nữa. Tuy nhiên, kịch bản này không hợp lý.
Theo khảo sát của đội nghiên cứu HAGL, nhu cầu chuối của thị trường Trung Quốc là 15 triệu tấn mỗi năm. Trong khi đó, tập đoàn chỉ cung ứng được tối đa 240.000 tấn. Đó là lý do vì sao công ty nông nghiệp HNG (trực thuộc tập đoàn HAGL) vẫn liên tục mở rộng trồng chuối trong 2 năm qua. Từ lúc bắt đầu trồng đến khai thác là 9 tháng, những đợt sau 6 tháng thu hoạch, quay vòng vốn nhanh, hiệu quả rất cao và thị trường đang rộng mở.
Mặt khác, để tránh lệ thuộc, Bầu Đức chọn cách cung ứng chuối cho nhiều thị trường tiêu thụ khác nhau. Ngoài xuất sang Trung Quốc 80%, các thị trường được xâm nhập tiếp theo gồm: Hàn Quốc và Nhật. Ngoài ra, chuối chưa đạt chuẩn xuất khẩu được tiêu thụ ở thị trường Việt Nam với giá mềm hơn. Sau 2 năm, chuối là cây được xác định làm lâu dài (kế hoạch trồng khoảng 10.000 ha). Năm 2017 trồng hơn 1.500 ha, năm 2018 tiếp tục xuống giống trồng 4.000 ha chuối nữa. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2018, vườn chuối được dự toán có thể mang về nguồn thu xấp xỉ nghìn tỷ cho công ty.
Chủ tịch HAGL xếp chanh dây và ớt vào nhóm cây không đầu tư trồng tràn lan nhưng có công lớn trong việc giúp tạo ra dòng tiền nhanh do trồng ngắn ngày, hỗ trợ cho giai đoạn đầu tập đoàn rẽ sang mảng cây ăn trái. Chanh dây và ớt cho hiệu quả cực tốt nhờ giá cao, thị trường tiêu thụ lớn. Tuy nhiên, nhược điểm của hai loại cây này là chỉ trồng hiệu quả một lần. Những đợt sau nếu tiếp tục trồng tỷ lệ sâu bệnh cao và năng suất kém.
Hơn nữa đây lại là cây ngắn ngày, không khai thác được lâu dài. Nếu ớt và chanh dây trồng vụ tiếp theo bị đội chi phí cải tạo đất cao (phải chờ 2 – 3 năm sau mới tái canh được) đồng thời hiệu quả đợt sau kém hơn đợt đầu. Chính vì vậy 2 loại cây này công ty chỉ lấy ngắn nuôi dài chứ không xếp vào nhóm chiến lược. Về thị trường tiêu thụ, chanh dây của Hoàng Anh Gia Lai chủ yếu xuất đi Trung Quốc, trong khi ớt xuất đi Thái Lan.
Bên cạnh chuối, chanh dây và ớt đã mang về dòng tiền nghìn tỷ, được xem là cực kỳ hiệu quả trong thời gian qua, công ty còn có thêm bưởi da xanh, mít, thanh long đã được trồng song song. Dự kiến năm 2019 sẽ có nguồn thu lớn từ chuối, thanh long, mít. Ngoài ra, cây bơ và cây sầu riêng cũng đang được trồng.
Sau 2 năm chuyển hướng sang trồng cây ăn trái, Bầu Đức cho biết những kế hoạch được xây dựng cho mảng này ngày càng đạt được độ chính xác cao. Các số liệu nông nghiệp dần hoàn thiện vì không còn dựa trên lý thuyết nữa mà tất cả đều căn cứ vào dữ liệu từ thực tiễn. Mảng cây ăn trái khi mới ra đời vấp phải khó khăn lớn là thời điểm đó tập đoàn đang phải cơ cấu nợ, không thể vay mới để đầu tư cho các vườn cây ăn trái. Thế nhưng, với chiến lược dùng cây ngắn ngày xoay vòng vốn nhanh, các đòn bẩy chanh dây, ớt và chuối đã phát huy tác dụng.
Bầu Đức nhận định, thời gian qua cổ phiếu công ty mẹ (HAG) có lúc xuống rất thấp và lệ thuộc hoàn toàn vào cổ phiếu công ty con (HNG) mảng nông nghiệp với vườn cây ăn trái là chủ lực. Điều này cho thấy Hoàng Anh Gia Lai đang sống nhờ vào mảng miếng mới này. “Diện tích cây ăn trái vẫn liên tục được mở rộng, nhu cầu thị trường ngày càng cao trong khi giá cả vẫn trên đà tăng là những tín hiệu tích cực. Tôi rất tự tin khi đi con đường nông nghiệp này”, ông Đức cho hay.