Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã huy động thành công 60 triệu USD qua hình thức phát hành Chứng chỉ Lưu ký Toàn cầu (GDR) với sự tư vấn của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS). Sự thành công của thương vụ này đã mở ra xu hướng huy động vốn mới cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khó khăn về vốn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng chính HAG mới là đối tượng được nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn trước.
Cuối năm 2007, một nhóm nhà đầu tư London (Anh) bắn tin cho SBS rằng họ quan tâm đến HAG và muốn đầu tư nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Khi đó, kinh tế trong nước bắt đầu chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngoài ra, lãi suất cao cùng với khả năng huy động vốn qua thị trường chứng khoán hẹp dần cũng khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Tình trạng này được ông Ngô Quảng Phú, Phó Tổng Giám đốc SBS, người trực tiếp thực hiện thương vụ GDR cho HAG, ví như “một cổ ba tròng”. Bởi thế, tìm được nguồn vốn từ thị trường nước ngoài là sự may mắn.
Sau hơn 2 năm trời thực hiện (2007-2010), ông Phú rút gọn chỉ 3 chữ về thương vụ này: “Quá chua chát!”. Ông cũng khái quát 3 giai đoạn chính để giúp HAG phát hành thành công GDR là nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu thị trường, SBS hỗ trợ HAG cung cấp thông tin và thực hiện hợp đồng đầu tư.
Giai đoạn tìm hiểu thị trường Việt Nam đã mất gần 2 năm, tức khoảng 70% quá trình. Thị trường Việt Nam có quy mô khoảng 35 tỉ USD, không lớn so với quy mô của các nhà đầu tư London, vốn là những quỹ đầu tư dài hạn quản lý lượng tài sản lên đến hàng trăm tỉ USD. Nghĩa là có đầu tư hay không cũng không ảnh hưởng nhiều đến cơ cấu vốn và chiến lược của họ. Bên cạnh đó, theo ông Phú, hằng ngày có khoảng 40-50 đơn vị mang các sản phẩm huy động vốn như trái phiếu, GDR… đến chào hàng với các quỹ đầu tư London. Sự hấp dẫn của mỗi sản phẩm sẽ mang đến cơ hội huy động vốn cho các doanh nghiệp nước đó. Trong trường hợp của HAG, cũng may mắn là những nhà đầu tư London đã chọn HAG ngay từ đầu.
Các quỹ đầu tư London là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, rất cẩn trọng trong xem xét thông tin doanh nghiệp. Thời gian đó, họ sang Việt Nam và đi đến từng dự án của HAG để xem xét. Ông Phú cho biết đối với mỗi dự án của HAG như bất động sản, cao su, thủy điện, họ đều đến thẩm định khoảng 1-2 tuần. “Họ còn mời các chuyên gia hàng đầu trên thế giới đến đánh giá. SBS cũng phải đi cùng với họ trong những chuyến đi khảo sát này”, ông nói.
Sau thời gian tìm hiểu, SBS phải liên tục cung cấp những thông tin họ cần. Các báo cáo tài chính của HAG cũng phải phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Nhờ báo cáo tài chính của HAG đã được Công ty Kiểm toán Ernst & Young (Mỹ) đảm trách trước đó, nên SBS chỉ còn có việc cung cấp thông tin về HAG.
“Khi họ nói quan tâm, nghĩa là chúng ta có 20% cơ hội được họ đầu tư. Tuy nhiên khoảng cách giữa quan tâm và quyết định đầu tư thì rất xa”, ông Phú nhận định. Nắm rõ điều này, ông Phú đã tạo ra một câu chuyện hấp dẫn từ HAG qua cách sắp xếp các thông tin cung cấp.
Điểm mấu chốt là cho đối tác thấy HAG có khả năng thực hiện các dự án với những bản thuyết trình chiến lược cụ thể. Chẳng hạn, SBS làm nổi bật tiềm năng từ trồng cao su với việc đề cập lĩnh vực này sẽ bắt đầu “hái quả” từ năm 2012, kế hoạch mở rộng diện tích trồng hằng năm và khả năng tài chính dự kiến để đảm bảo kế hoạch đó; số lượng chuyên gia trong ngành thuê ở nước ngoài cũng được nhắc đến. Bên cạnh đó, ưu thế về thủy điện, khai khoáng của HAG như ít cạnh tranh và nhận nhiều ưu đãi của Chính phủ cũng được SBS nhấn mạnh.
Chính nhờ những điều này, SBS và HAG đã thuyết phục được các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Phú, họ quyết định đầu tư vì nhìn thấy được tầm nhìn chiến lược dài hạn ở các dự án của HAG. “Họ rất hứng thú đối với các dự án trồng cao su, sau đó là thủy điện và khai khoáng. Họ tin rằng 5-10 năm sau giá trị của các dự án này sẽ tăng gấp đôi”, ông nói. Ngoài ra, quỹ đất sạch lớn với giá rẻ của HAG cũng khiến họ tin rằng HAG biết nắm bắt thời cơ và có nội lực thực sự.
Giai đoạn cung cấp thông tin có tính chất quan trọng trong quyết định đầu tư của đối tác. Vì thế, theo ông, đây là giai đoạn phải kiên trì nhất. “Chúng tôi gửi thông tin cho họ liên tục trong khoảng nửa năm trời và chỉ biết hy vọng”, ông nói. Tuy nhiên, cũng nhờ kiên trì vượt qua giai đoạn này, SBS đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong quá trình làm việc với những nhà đầu tư lớn quốc tế.
Trước tiên là công bố thông tin phải minh bạch và theo chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, doanh nghiệp phải có tầm nhìn dài hạn và kế hoạch cụ thể cùng với khả năng hiện thực hóa những chiến lược đặt ra. Về phía đơn vị tư vấn, việc sắp xếp các thông tin để tạo thành một câu chuyện hấp dẫn đủ sức thuyết phục cũng là yếu tố quan trọng.
SBS cho biết, sau thành công của thương vụ HAG, hàng chục doanh nghiệp đã liên hệ nhờ Công ty hỗ trợ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch SBS, nếu xét theo các tiêu chuẩn khắt khe của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay, số doanh nghiệp Việt Nam đạt yêu cầu chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Một trong số những điều kiện đó là quy mô doanh nghiệp trong nước ít nhất phải tương xứng với quy mô doanh nghiệp ở thị trường muốn huy động vốn. “Quy mô trung bình mỗi doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán London vào khoảng 300-500 triệu USD (tương đương 6.000-10.000 tỉ đồng)”, ông Nam cho biết.