Sự khó khăn “chưa từng có” như hầu hết các nhận định về thị trường đang được thể hiện ở các con số không mấy khả quan. Tuy nhiên, trên nền bức tranh nhiều gam màu tối vẫn xuất hiện những điểm sáng quý giá.
Những đốm sáng nhỏ nhoi
Cập nhật mới của sàn HNX về kết quả kinh doanh quý II của một loạt DN và lũy kế 6 tháng đầu năm đã xuất hiện thêm nhiều điểm sáng. Theo công bố của HNX, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý II của CTCP Đá Xây dựng Hoà Phát (mã CK: HPS) đạt 7,1 tỉ đồng, lũy kế 6 tháng đạt 11,67 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý II HPS đạt 692,02 triệu đồng và lũy kế 6 tháng đạt 1,35 tỉ đồng. Nếu so với mục tiêu tổng doanh thu 27,41 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2,55 tỉ đồng trong năm 2011 thì trong 6 tháng qua Cty đã đạt gần 42,5% kế hoạch doanh thu và 52,9% kế hoạch lợi nhuận.
Có kết quả ở mức sáng hơn, CTCP Lilama 45.4 (mã CK: L44) có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý II đạt 114,87 tỉ đồng, lũy kế 6 tháng đạt 186,21 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý II của Cty cũng đạt 4,008 tỉ đồng, lũy kế 6 tháng đạt 6,505 tỉ đồng. Như vậy, doanh thu nửa đầu năm của Cty này bằng 50,3%, lợi nhuận bằng 58,6% kế hoạch năm 2011.
Rất nhiều DN khác có kết quả tương đối khả quan như CTCP Bao bì Biên Hòa (mã CK: SVI) có doanh bán hàng và cung cấp dịch vụ của Cty mẹ quý II đạt 156,06 tỉ đồng (lũy kế 6 tháng đạt 288,02 tỉ đồng) và lợi nhuận sau thuế đạt 13,26 tỉ đồng (lũy kế 6 tháng đạt 24,39 tỉ đồng); CTCP Nhựa Tân Phú (mã CK: TPP) có doanh thu quý II của Cty mẹ đạt 69,43 tỉ đồng (lũy kế 6 tháng đạt 130,29 tỉ đồng) và lợi nhuận sau thuế đạt 2,018 tỉ đồng (lũy kế 6 tháng năm 2011 đạt 3,85 tỉ đồng). Ngoài ra, các mã khác như VTV, BDC, HTC, DID… đều đạt doanh thu và lợi nhuận với mức dương.
“Quả tạ” chi phí vốn
Các DN niêm yết kể trên có doanh thu và lợi nhuận lũy kế ở mức dương. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là mức doanh thu và lợi nhuận của quý này đã giảm mạnh. Có DN ghi nhận mức giảm từ 40-50 thậm chí trên 70% so với quý trước và so với cùng kỳ 2010. Theo các báo cáo tài chính, lợi nhuận của các DN chủ yếu do chi phí lãi vay thời gian qua đã lên qua cao khiến gánh nặng chi phí của DN bị đẩy lên.
Đơn cử như trường hợp của CTCP Đường Biên Hòa (mã CK: BHS) trên sàn HSX, lãi quý này của Cty chỉ đạt 4,3 tỉ đồng cho dù giá đường trong nước thời gian qua vẫn đứng ở mức cao (chỉ bằng 16,3% của 26,3 tỉ đồng lãi cùng kỳ 2010). Theo báo cáo của Cty, lý do của việc giảm lãi trên là chi phí lãi vay quý này lên tới 30 tỉ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ 2010. Một ví dụ khác là CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (mã CK: SVC) cũng chỉ công bố lãi ở mức 2,22 tỉ đồng, giảm 87,73% so với cùng kỳ 2010 do chi phí tài chính từ khoản vay nợ NH lên tới 38,75 tỉ đồng, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước.
Cùng chung cảnh ngộ còn có rất nhiều DN như CTCP Bột giặt Lix (mã CK: LIX) có chi phí tài chính quỹ II/2011 là 6,54 tỉ đồng (cùng kỳ 2010 là 364 triệu đồng);… Cac Cty thuộc các ngành sử dụng nhiều vốn vay như xây dựng, BĐS, vận tải, thép… chi phí tài chính sẽ lớn hơn rất nhiều.
“Đãi cát tìm vàng”
Lãi suất hiện vẫn ở mức cao và chưa biết con số cuối năm sẽ ở mức bao nhiêu. Nhiều dự báo lạm phát sẽ ở mức trên 17% như mục tiêu của Chính phủ. Chính vì thế, lãi suất tới nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhiều DN sản xuất, xuất khẩu cho biết vẫn đang phải vay với mức 22-24%/năm. “Tuy nhiên, lãi suất không thể cao mãi do Chính phủ và cơ quan quản lý đều hiểu rằng lãi suất cao hiện tại đang tiêu diệt hoạt động sản xuất kinh doanh. Lãi suất cao trong thời gian dài chắc chắn sẽ khiến các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm nhân lực và kéo theo vấn đề an sinh xã hội” – ông Nguyễn Văn Dũng – TGĐ CTCK Tân Việt nhận định.
Theo ông Dũng, Chính phủ sẽ phải có biện pháp để hạ nhiệt lãi suất. Và các biện pháp điều hành hiện nay đều đang đi theo hướng này. “Vấn đề bây giờ là thời gian mà thôi”, ông Dũng nói. Theo ông Dũng, trong bối cảnh khó khăn này, hầu hết các DN đều làm ăn kém đi, nhưng cũng có nhiều DN vẫn có lợi nhuận tương đối tốt. Ví dụ như các DN sản xuất các mặt hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng.
Thậm chí có một số ngành tăng biên lợi nhuận để đảm bảo tỉ suất sinh lời như NH. “Thông thường chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra của NH chỉ khoảng 3%, nhưng do biến động nên hiện tại chênh lệch này lên tới 5%, thậm chí 6%” – ông Dũng nói. Chính vì thế, bức tranh thị trường không hoàn toàn là các gam màu tối. Nếu chắt lọc, NĐT vẫn tìm thấy cơ hội ở các DN làm ăn có lãi ở thời buổi gian khó.