6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,22% so với tháng 12 năm 2017. Như vậy bình quân CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, mục tiêu của Chính phủ là phải giữ lạm phát năm nay ở mức 4% để hỗ trợ cho việc điều hành chính sách tỷ giá, lãi suất.
Theo thông báo hôm 2-8 của Văn phòng Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá trung ương do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đứng đầu nhận định nguyên nhân tăng giá trong 2 tháng gần đây chủ yếu xuất phát từ tác động của một số yếu tố căng thẳng về chính trị, thương mại và tài chính trên thế giới và một số yếu tố thị trường trong nước, chứ không phải từ tác động của việc điều hành chính sách vĩ mô hay chính sách điều hành giá nói riêng của Chính phủ.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2018, việc điều hành giá, kiểm soát lạm phát tiếp tục chịu nhiều áp lực. Lý do là giá một số mặt hàng trên thị trường thế giới tiếp tục có khả năng tăng cao, gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước qua kênh xuất nhập khẩu và gây tác động lên tỷ giá.
Để đảm bảo dư địa hạn hẹp còn lại của việc điều hành CPI trong 5 tháng cuối năm, Chính phủ yêu cầu phải đẩy nhanh thực hiện giảm giá các mặt hàng thiết yếu có khả năng giảm giá như giá thu phí BOT, giá thuốc chữa bệnh hay giá thịt lợn.
Cụ thể, với mặt hàng nông sản, yêu cầu đặt ra là bình ổn giá mặt hàng thịt lợn, điều hành nguồn cung và cầu. Các mặt hàng khác cũng cần nắm được thông tin, nhất là trước diễn biến thông tin thời tiết nhiều bất thường.
Với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính điều hành theo hướng sử dụng và trích lập quỹ bình ổn giá linh hoạt, phù hợp. Trường hợp có biến động lớn về giá xăng dầu cần phải tính đến việc tạm đóng không trích quỹ trong một thời gian để bình ổn giá.
Phí BOT cũng được Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt. Trước đó, hơn 1 năm qua, hơn 20 trạm thu phí BOT trên cả nước đã được tổng rà soát, giảm giá theo yêu cầu của Chính phủ, song vẫn tiếp tục tính toán để hạn chế lộ trình tăng, gây bất bình trong dư luận. Nhất là thời điểm từ tháng 9 trở đi, mỗi một lĩnh vực tăng giá đều ảnh hưởng rất lớn đến tình hình chung.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giáo dục – Đào tạo chủ động tính toán đăng ký lộ trình tăng giá ở các địa phương, phân bổ và kiểm soát dịch vụ giáo dục cho phù hợp.
Riêng lĩnh vực y tế, trong năm 2018, chưa xây dựng phương án điều chỉnh chi phí quản lý trong giá dịch vụ khám chữa bệnh. Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong một số trường hợp. Đồng thời, tiếp tục rà soát, có kế hoạch sửa đổi toàn diện theo lộ trình rút gọn danh mục dịch vụ, hài hòa lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở y tế và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.
Chính phủ cũng nhắc Bộ Y tế cần rút kinh nghiệm trong việc chậm triển khai công tác đấu thầu thuốc năm 2018, khẩn trương hoàn thành các thủ tục để triển khai đấu thầu thuốc tập trung theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Trước đó, để kìm đà tăng của lạm phát, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất dừng tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu hoặc tăng “nhỏ giọt”, bình ổn giá BOT và không điều chỉnh giá vé hàng không, không tăng giá điện.