Theo báo cáo của Hiệp hội Thép (VSA), tình hình sản xuất và tiêu thụ của các thành viên khá tích cực. Cụ thể, 6 tháng, sản xuất đạt 11,74 triệu tấn, tăng 24,8% so với cùng kỳ 2017; sản lượng bán hàng đạt 10,61 triệu tấn, tăng 36,2%. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,31 triệu tấn, tăng 41,6%.
Đồng thời, giá bán thép xây dựng trong nước nửa đầu năm duy trì ổn định ở mức cao, khoảng 13,2 – 13,5 triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên, về giá nguyên vật liệu thì diễn biến trái chiều như quặng sắt, than cốc ổn định; giá thép phế liệu và phôi thép tăng cao so cùng kỳ năm trước.
Với diễn biến thị trường thép 6 tháng đầu năm, doanh thu hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đều tăng tốt so cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận phân hóa. Những đơn vị có lãi tăng cao là đơn vị cải thiện được biên lợi nhuận và tiết giảm chi phí sản xuất.
Lãi tăng cao
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG)là doanh nghiệp đầu ngành với doanh thu và lợi nhuận cao nhất quý 2/2018, đạt 14.430 tỷ đồng và 2.200 tỷ đồng,tăng lần lượt 34% và 43% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng HPG đạt doanh thu 27.595 tỷ đồng, tăng 30%; lãi sau thuế 4.425 tỷ đồng, tăng 27%. Công ty cho biết đây là kết quả khả quan khi đặt trong bối cảnh dừng lò cao số 2 để bảo dưỡng, thay thế thiết bị suốt hai tháng; nhóm ngành thép duy trì sản lượng bán hàng ở mức cao, ổn định chính là động lực tăng trưởng thời gian qua. Thị phần thép Hòa Phát duy trì vị trí số 1 với 22,2%, Việt Nam vẫn là thị trường tiêu thụ chính, theo hướng tăng dần sản lượng khu vực phía Nam trong cơ cấu sản lượng bán hàng.
CTCP Thép Pomina (HOSE: POM) báo lãi sau thuế tăng 174% đạt 164 tỷ đồng. Có hai nhân tố giúp lãi Pomina tăng mạnh gồm doanh thu thuần tăng 52%, biên lãi gộp cải thiện từ 6,17% lên 7,1%; chi phí bán hàng, chi phí quản lý tuy tăng nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ, chi phí tài chính chiếm tỷ trọng lớn nhất thì chỉ tăng thêm 5 tỷ so với cùng kỳ năm trước.
Công ty lý giải kết quả kinh doanh tăng mạnh quý II là nhờ chi phí sản xuất ngày càng giảm góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của công ty mẹ và công ty con, thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng.
Lũy kế nửa đầu năm, POM đạt doanh thu 6.635,8 tỷ đồng, tăng 30%; lãi sau thuế 373,8 tỷ đồng, tăng 41,2%. Hiện Pomina đang phải làm việc với Hải quan khi cơ quan chức năng tìm thấy100 bánh cocain nằm trong container của Công ty Stamcorp International Pte Ltd có trụ sở tại Singapore gửi cho Pomina.
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) báokết quả tăng tốt sau nhiều quý suy giảm. Cụ thể, quý II sản lượng bán hàng của SMC tăng 19%, giá thép ổn định và cao hơn bình quân cùng kỳ năm trước 35% đã đẩy doanh thu tăng 64%, đạt 4.892 tỷ đồng. Chi phí tài chính trong kỳ tăng lên 54,4 tỷ đồng do công ty trích lập dự phòng tài chính cho các chứng khoán đầu tư dài hạn. Chi phí quản lý tăng 303% do trích thêm dự phòng công nợ trong khi cùng kỳ 2017 được hoàn nhập. Theo đó, quý II SMC ghi nhận lãi sau thuế 87,2 tỷ và lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ 85,7 tỷ đồng; lần lượt tăng 89,1% và 92,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu công ty tăng 40%, đạt 8.155 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 161,2 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng 3,4%.
Ngoài 3 đơn vị nổi trội trên thì Gang thép Thái Nguyên (UPCoM: TIS) và Ống thép Việt Đức VG PIPE (HNX: VGS) cũng đạt kết quả tăng lợi nhuận trên 20% trong quý II, nguyên nhân đến từ doanh thu tăng và tiết giảm chi phí.
VIS bất ngờ lỗ đậm, HSG tiếp tục giảm mạnh lợi nhuận
Gây bất ngờ nhất trong quý II có lẽ là CTCP Thép Việt Ý (HOSE: VIS) khi lỗ ròng 68 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, VIS nhận lỗ 66 tỷ đồng, cách rất xa mục tiêu lãi trước thuế 90,4 tỷ cả năm. Công ty cho biết, giá phế liệu đầu vào sản xuất thép tăng mạnh trong khi giá đầu ra của sản phẩm thép tăng dè dặt (tốc độ tăng giá bằng 87% so với tốc độ tăng giá thành), điều này khiến chi phí sản xuất của công ty lên cao. Công ty cũng phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại thời điểm 30/6 và trích lập với các khoản công nợ khó đòi phát sinh các năm trước.
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) vẫn tiếp tục kéo dài chuỗi giảm lợi nhuận từ quý III/2017 khi công bố lãi 83 tỷ đồng quý này, giảm 69%. Doanh thu tăng mạnh 43% nhưng giá vốn tăng mạnh hơn đẩy lãi gộp giảm nhẹ xuống 1.031 tỷ. Biên lãi gộp giảm từ 15% xuống 10%. Các chi phí nhất loạt tăng như chi phí tài chính tăng thêm 70 tỷ, chi phí bán hàng tăng thêm 80 tỷ, chi phí quản lý tăng thêm 14 tỷ.
Theo đó, lũy kế 9 tháng (niên độ 2017-2018), doanh thu thuần của Hoa Sen tăng mạnh 34% nhưng lãi ròng suy yếu đến 58% còn đạt 512 tỷ đồng.
Trong khi nhiều đơn vị có biên lợi nhuận cải thiện trong quý II thì CTCP Tập đoàn thép Tiến lên (HOSE: TLH)lại sụt giảm từ 10,33% xuống 7,4%. Đồng thời, TLH tăng đồng loạt tất cả các loại chi phí như chi phí tài chính tăng thêm 13,2 tỷ, chi phí bán hàng tăng thêm 1,7 tỷ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 13,8 tỷ. Mặt khác, TLH còn gánh thêm khoản lỗ hoạt động liên doanh, liên kết 27 tỷ đồng.
Tất cả các yếu tố trên khiến Thép Tiến Lên báo lãi ròng giảm 42%, đạt 40 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty lãi ròng 141.7 tỷ đồng, giảm 22% cùng kỳ năm trước.
Riêng với trường hợp của Thép DANA – Ý (HNX: DNY), lợi nhuận giảm gần phân nửa xuống 6 tỷ đồng là do nguyên nhân riêng. Giải trình của công ty cho thấy doanh thu quý II suy giảm do 23/3/2018 công ty mới được phép sản xuất trở lại theo quyết định của UBND thành phố nhưng chưa thể ổn định khi ngân hàng ngừng giao dịch bảo lãnh L/C để mua nguyên liệu sản xuất, tư tưởng người lao động bị lung lay và đối tác lo ngại thiếu nguồn hàng nên giảm đặt hàng từ công ty.
Trên thị trường chứng khoán, nằm trong xu hướng giảm giá chung của toàn thị trường, cổ phiếu các doanh nghiệp ngành thép cũng giảm khá mạnh 6 tháng vừa qua. Giảm mạnh nhất là cổ phiếu HSG với 47%, TLH giảm 30% trong khi VIS giảm ít nhất 7%.