Giá vẫn tăng theo kịch bản
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm tương đối sát với dự báo và kịch bản điều hành giá do Ban Chỉ đạo điều hành giá đề ra từ đầu năm.
Lạm phát so với cùng kỳ năm trước trong 6 tháng đầu năm 2018: số thực tế và số dự báo từ tháng 12/2017
Cụ thể, tháng 1, tháng 2 vẫn như quy luật các năm, cứ Tết đến là giá lại tăng. Nhưng với sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo điều hành giá và liên bộ, nên trong dịp Tết giá chỉ tăng nhẹ. Đến tháng 3 sau Tết giá giảm nhẹ. Tuy nhiên tháng 4, giá lại “nhẹ nhàng” tăng 0,08% so với tháng 3, nhưng vẫn chưa bằng mặt bằng giá hồi tháng 2.
Thế nhưng, từ tháng 5 và đặc biệt là sang tháng 6, đã xuất hiện một số yếu tố gây áp lực khá lớn lên mặt bằng giá, như: giá gas tăng trong 2 tháng liên tiếp; giá xăng dầu thế giới tăng liên tục cao hơn dự báo; nhu cầu xuất khẩu gạo tăng kéo giá lương thực; giá thịt lợn có xu hướng hồi phục… “Giá tăng là theo thị trường, không có yếu tố tăng giá mới xuất phát từ công tác điều hành giá của Chính phủ”, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết.
Việc lạm phát cơ bản được duy trì ổn định ở mức thấp cũng là một minh chứng nữa cho thấy, áp lực lạm phát những tháng đầu năm chủ yếu do giá một số mặt hàng đặc biệt là xăng dầu tăng cao. Theo đó, lạm phát cơ bản tháng 6/2018 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 1,35% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Cục Quản lý giá và Tổng cục Thống kê cũng độc lập đưa ra 2 kịch bản điều hành giá trong những tháng cuối năm, theo đó, cả hai kịch bản đều bảo đảm lạm phát tăng cao nhất cũng chỉ khoảng 4%.
Đỉnh lạm phát ở tháng 7
Khác với Tổng cục Thống kê và Cục Quản lý giá, TS. Nguyễn Đức Độ – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính lại cho rằng lạm phát so với cùng kỳ nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh trong tháng 7/2018 và sau đó sẽ giảm xuống mức dưới 4% (thậm chí có thể là dưới 3%) trong những tháng cuối năm 2018.
Mô hình dự báo của TS. Độ cho rằng về tổng thể, mục tiêu kiềm chế lạm phát trung bình của cả năm 2018 ở mức dưới 4% vẫn đang nằm trong tầm tay của Chính phủ. Nguyên nhân chính khiến lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm trong thời gian tới là do trong giai đoạn cuối năm 2017 Chính phủ đã điều chỉnh mạnh giá dịch vụ y tế và vì vậy chỉ số lạm phát này sẽ giảm mạnh nếu giá dịch vụ y tế được giữ nguyên trong những tháng cuối năm 2018. Ông đưa ra hai kịch bản lạc quan hơn của Tổng cục Thống kê và Cục Quản lý giá:
Kịch bản 1: Nếu giá dầu và giá thịt lợn neo ở mức cao như hiện nay và lạm phát tổng thể tăng trung bình 0,14%/tháng – tương đương mức tăng trung bình của lạm phát cơ bản trong 6 tháng qua – thì lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm xuống mức 3,1% vào cuối năm nay, lạm phát trung bình của cả năm 2018 sẽ ở mức khoảng 3,4 – 3,5%. Nhiều khả năng lạm phát sẽ theo kịch bản này.
Kịch bản 2: Ít khả năng xảy ra hơn, nếu giá dầu và giá thịt lợn tiếp tục tăng mạnh và lạm phát tổng thể tăng trung bình 0,37%/tháng – tương đương với mức tăng trong 6 tháng đầu năm – thì lạm phát trung bình cả năm 2018 sẽ ở mức khoảng 3,8-3,9%. Mục tiêu lạm phát vẫn có thể đạt được nếu giá dầu tăng lên đến 80-90 USD/thùng và giá thịt lợn leo lên mức 50.000 – 60.000 đồng/kg.
Thế nhưng dù là kịch bản nào, theo các chuyên gia, cũng không thể phủ nhận áp lực lạm phát năm nay lớn hơn nhiều so với năm trước. Vì thế không được chủ quan, đặc biệt là trong công tác điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Trên thực tế, trước tình hình lạm phát có dấu hiệu tăng cao, Chính phủ đã chỉ đạo không tăng giá điện trong năm nay, giữ ổn định các mặt hàng do Nhà nước định giá trong tháng 6, tiếp tục rà soát để đẩy nhanh các mặt hàng có khả năng giảm (giá thuốc, giá vật tư y tế thông qua đấu thầu), quyết liệt triển khai biện pháp bình ổn giá các mặt hàng có xu hướng tăng cao…