Theo đó, HAGL đang nợ BIDV và công ty có liên quan tổng cộng hơn 9.223 tỷ đồng, bao gồm 376,3 tỷ đồng vay ngắn hạn, 2.971 tỷ đồng vay dài hạn và 5.876 tỷ đồng vay trái phiếu do BIDV và Công ty TNHH Chứng khoán BIDV phát hành.
Áp lực từ các ngân hàng
Như vậy, chỉ riêng khoản tín dụng BIDV cho HAGL vay đã chiếm khoảng 40% tổng nợ vay tài chính của doanh nghiệp này hiện nay. Bên cạnh đó, Sacombank cũng là chủ nợ lớn của HAGL đang cho doanh nghiệp này vay dài hạn 2.770 tỷ đồng và ngắn hạn 58,5 tỷ đồng.
Một loạt ngân hàng khác cũng là chủ nợ lớn của bầu Đức, chẳng hạn như: HDBank cũng đang cho HAGL vay dài hạn hơn 1.495 tỷ đồng; Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (chi nhánh Attapeu) cho vay 1.397 tỷ đồng dài hạn và 374,6 tỷ đồng ngắn hạn; Ngân hàng Tiên Phong cũng cho vay 1.229 tỷ đồng dài hạn và 299,6 tỷ đồng ngắn hạn; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia cũng cho vay 19,3 tỷ đồng dài hạn và 35,1 tỷ đồng ngắn hạn.
Các khoản vay của HAGL tính đến hết 30/6/2018.
Ngoài ra, một loạt các tổ chức cũng phát hành trái phiếu với HAGL có thời hạn đến năm 2026, ngoài con số 5.876 tỷ đồng do BIDV và Công ty TNHH Chứng khoán BIDV phát hành, có thể kể đến như: Công ty CP Chứng khoán Euro Capital 1.694 tỷ đồng; Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng 991 tỷ đồng; Chứng khoán Phú Gia 930 tỷ đồng; Chứng khoán FPT và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng 594 tỷ đồng…
Tính đến thời điểm 30/6/2018, tổng nợ HAGL ghi nhận 36.851 tỷ, trong đó nợ vay (ngắn và dài hạn) chiếm hơn 23.161 tỷ – gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Điều này khiến Kiểm toán mới đây đã lưu ý khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn khi cuối năm 2017, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn. Dù vậy, bầu Đức vẫn tự tin sẽ cơ cấu được các khoản nợ nhưng mất thời gian.
Đang dần bán hết “cơ ngơi”
‘Cơ ngơi’ dần bán hết, gánh nặng nợ vay cũng đã có thể đặt xuống, bầu Đức nhường lại giấc mơ Myanmar và cùng vẽ giấc mơ nông nghiệp với tỷ phú Trần Bá Dương. Thực chất, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đang dần bán hết “cơ ngơi” của mình. Trước là bán mảng mía đường, mảng thủy điện, sau là bán mảng bất động sản, mảng nông nghiệp.
Theo biên bản hợp tác, Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh – đơn vị thành viên của Thaco – quyết định đầu tư để sở hữu 51% và sẽ tiếp tục nâng lên 65% HAGL Myamar với số vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Thaco sở hữu lượng cổ phần chi phối cũng nghĩa là dự án HAGL Myanmar đã không còn nằm trong tay HAGL, cũng nghĩa là công ty của bầu Đức gần như không còn mảng bất động sản.
Trước đó, HAGL cũng đã bán mảng mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công và bán mảng thủy điện cho Bitexco. Công ty này hiện chỉ còn lại mảng nông nghiệp, thế nhưng, quyền tự quyết có thể cũng không còn nằm trong tay bầu Đức.
Thông qua hợp đồng mua bán trái phiếu chuyển đổi và mua thêm cổ phiếu, Thaco và nhóm cổ đông của Thaco sẽ sở hữu 35% vốn điều lệ HAGL Agrico, với tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Hiện HAGL đang sở hữu tổng cộng 63,7% vốn điều lệ HAGL Agrico (cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp), tương đương khoảng 565 triệu cổ phiếu HNG.
Tuy nhiên, khi lượng trái phiếu tương đương 20% vốn điều lệ HAGL Agrico mà Thaco sở hữu được chuyển đổi, tổng tỷ lệ sở hữu của HAGL tại HAGL Agrico sẽ bị pha loãng xuống còn khoảng 51% (tỷ lệ sở hữu trực tiếp giảm từ 55,1% xuống chỉ còn 44%).
Như đã đề cập phía trên, ngoài việc sở hữu 20% vốn điều lệ HAGL Agrico thông qua trái phiếu chuyển đổi, Thaco cùng nhóm cổ đông liên quan cũng tiến hành nâng sở hữu lên 35%. Lượng cổ phần tương đương 15% vốn còn lại có thể được mua thông qua 4 cách chính: (1) mua từ các nhà đầu tư không phải HAGL, (2) mua trái phiếu chuyển đổi, (3) mua chính từ HAGL và (4) phát hành riêng lẻ.
Ở trường hợp (2), (3) và (4), HAGL sẽ giảm tổng tỷ lệ sở hữu tại HAGL Agrico xuống dưới 50%, nghĩa là bầu Đức không còn quyền tự quyết. Thậm chí, nếu mua toàn bộ 15% vốn từ HAGL thì tỷ lệ sở hữu của Thaco và HAGL là gần như ngang nhau. Và nếu tổng tỷ lệ sở hữu của HAGL tại HAGL Agrico giảm xuống dưới 50% thì kết quả kinh doanh của HAGL Agrico sẽ không còn hợp nhất vào HAGL. Khi ấy, HAGL gần như thuần túy là công ty tài chính.