Theo Nghị quyết HĐQT HAG về việc phê duyệt phương án mua cổ phần của Hưng Thắng Lợi Gia Lai, HAG sẽ mua 76.930.000 cổ phần của Hưng Thắng Lợi Gia Lai với giá 32.200 đồng/CP. Tổng giá trị dự kiến nhận chuyển nhượng là 2.477,15 tỷ đồng.
Mối quan hệ chồng chéo
Thương vụ nói trên của HAG được thanh toán bằng cách bù trừ các khoản nợ phải thu. Sau giao dịch, HAG sẽ sở hữu 98% vốn cổ phần của Hưng Thắng Lợi Gia Lai.
Tại báo cáo tài chính của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HNG), xuất hiện mối quan hệ trong quá trình hoạt động kinh doanh phát sinh nợ vay với Hưng Thắng Lợi Gia Lai khá đậm.
Cụ thể, trong mục vay ngắn hạn cá nhân và doanh nghiệp, tại 31/12/2017, HNG nợ Hưng Thắng Lợi Gia Lai 12 tỷ. Khoản vay này phát sinh trong năm 2017, không lũy kế (báo cáo tài chính quý IV/2017). Cùng báo cáo tài chính, trong phần giao dịch với các bên liên quan, mục phải trả ngắn hạn khác (thuyết minh số 19), HNG thể hiện quan hệ với Hưng Thắng Lợi Gia Lai trên vị thế quan hệ “công ty liên quan”, với khoản phải trả ngắn hạn khác 500 tỷ đồng, lãi vay 10 tỷ đồng.
Cũng năm 2017, HNG đã báo cáo kết quả chào bán riêng lẻ cổ phiếu tăng vốn điều lệ trong kế hoạch dự kiến phát hành 149,7 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư, trong đó 30 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và 119,7 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ để hoán đổi các khoản nợ. Tổng số tiền dự kiến huy động từ đợt chào bán riêng lẻ 1.497 tỷ đồng, trong đó có 1.197 tỷ đồng huy động từ việc hoán đổi các công nợ.
Trong danh sách và tỷ lệ sở hữu các nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ, Hưng Thắng Lợi Gia Lai đã được phân phối 50.000.000 cổ phần HNG, sau đợt chào bán nắm tương ứng 5,64% cổ phần HNG – trở thành cổ đông lớn của HNG.
Dữ liệu thị trường ghi nhận đến ngày 5/3/2018, Hưng Thắng Lợi Gia Lai vẫn đang trong danh sách cổ đông lớn sở hữu nguyên vẹn số cổ phần nói trên của HNG và chỉ là cổ đông có tỷ lệ sở hữu thấp thứ 2 sau HAG.
“Bí ẩn” giá trị Hưng Thắng Lợi Gia Lai
Hưng Thắng Lợi Gia Lai là một Cty khá mới trên thị trường, được thành lập vào tháng 10/2016 với ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ trồng trọt và các chức năng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp khác. Chủ sở hữu theo đăng ký kinh doanh ban đầu là ông Dương Minh Thành (vốn góp 40 tỷ đồng), cùng với đó là các cổ đông cá nhân ông Võ Trọng Hoàng (30 tỷ đồng), Cao Vĩnh Tuấn (30 tỷ đồng), tổng vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng.
Sau hơn 1 năm hoạt động, Cty có thay đổi đáng kể về vốn điều lệ và pháp nhân sở hữu. Ba cổ đông sáng lập Võ Trọng Hoàng, Dương Minh Thành, Cao Vĩnh Tuấn đã bất ngờ chuyển nhượng toàn bộ vốn góp vào tháng 5/2017. Cty cũng nhanh chóng tăng vốn lên 785 tỷ đồng (24/7/2017).
Trong Nghị quyết HĐQT, HAG cho biết Hưng Thắng Lợi Gia Lai là Cty sở hữu dự án nông nghiệp tại huyện Paksong, tỉnh Chăm-pa-sắc, nước CHDCND Lào. Tuy nhiên, việc HAG căn cứ vào tài sản, giá trị như thế nào của Hưng Thắng Lợi Gia Lai để định giá Cty này khoảng 2.500 tỷ và giá trị cổ phiếu 32.200đ/cp, đang là một ẩn số.
Quyết định của HAGL và mối quan hệ từ “chủ nợ – “con nợ” đến “bên liên quan” và cổ đông, rồi cổ đông của Cty con trở thành chủ thể doanh nghiệp bị thâu tóm vào Cty mẹ – con đường lòng vòng xoay quanh nợ và hoán đổi giữa các bên HAG- HNG – Hưng Thắng Lợi Gia Lai, có thể cho thấy nhiều vấn đề về kết quả “hoàn tất việc tái cơ cấu các khoản nợ vay” mà HAG đã công bố vào cuối năm trước.
Tại thời điểm hiện nay, nhà đầu tư, các cổ đông nhỏ lẻ của HAG, cho biết, họ mong muốn được nắm bắt thông tin minh bạch về việc cơ cấu các khoản nợ vay của HAG, trong đó bao gồm các khoản nợ vay của các Cty con và giải pháp xử lý. Liệu có bao nhiêu trường hợp làm sạch nợ bằng việc phát hành cổ phiếu cấn trừ công nợ sẽ được HAG thực hiện trong năm 2018?
Nguy cơ hủy niêm yết
Mặc dù các nhà đầu tư trên thị trường sốt ruột về thông tin và mong đợi những câu trả lời của HAG, nhưng một kế hoạch đại hội cổ đông thường niên, dự kiến sẽ diễn ra với chất vấn, có thể đã bị lùi lại. Trong khi đó, HNG vừa có công văn lên Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Gia Lai xin lùi thời hạn đại hội cổ đông.
Trước đó, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng có văn bản gửi đến HAG và HNG lưu ý cả 2 Cty thực hiện tốt việc công bố thông tin để tránh rơi vào diện hủy niêm yết bắt buộc. Nhắc nhở của HoSE đến từ việc cả HAG và HNG đã chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 của Cty mẹ và hợp nhất, và chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 Cty mẹ và hợp nhất. Theo đó, cả 2 Cty đều đã chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2 năm liên tiếp.
Nếu không thực hiện đầy đủ yêu cầu về thời gian nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 thì đây sẽ là năm thứ 3 HAG và HNG trễ hẹn công bố thông tin, và cổ phiếu 2 doanh nghiệp có nguy cơ bị hủy niêm yết.
HAG và HNG đã có công văn gửi đến HoSE xin gia hạn công bố thông tin các Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất kiểm toán năm 2017 với thời gian đề xuất gia hạn là chậm nhất 100 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính (theo quy định hiện hành là 90 ngày).
Tuy nhiên, việc hai doanh nghiệp niêm yết, trong đó có doanh nghiệp tập đoàn chậm trễ báo cáo kiểm toán, càng là tiền đề khiến những câu hỏi về sức khỏe thực sự của doanh nghiệp và quá trình xoay xở với nợ nần, được đặt ra. Những đáp án nếu không được công khai minh bạch, sẽ càng xuất hiện nghi vấn bất lợi cho chính doanh nghiệp.
|