Habeco vừa có thông báo về việc đính chính thông tin trên bản thuyết minh báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2017. Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cho biết, thông tin về số thuế phát sinh phải nộp và đã nộp trong năm trên bản thuyết minh các báo cáo nói trên “chưa phù hợp do lỗi ở khâu đánh máy”.
Lỗi… đánh máy
Tuy nhiên, sau khi đính chính thì số tiền phải nộp tăng thêm hơn 448 tỷ đồng và số phải thu tăng thêm hơn 15 tỷ đồng.Cụ thể, theo số liệu đã công bố trên báo cáo tài chính riêng 2017, tổng các khoản tiền phải nộp trong năm của Habeco là 1.358 tỷ đồng, tổng phải thu là 227 tỷ đồng.
Số liệu báo cáo tài chính riêng Habeco công bố trước đính chính.
Số phải nộp sau đính chính chênh nhau gần 500 tỷ đồng (nguồn: Habeco).
Các khoản tiền phải nộp tăng thêm sau đính chính chủ yếu là tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng gần 373 tỷ đồng, từ 1.112 tỷ đồng lên 1.485 tỷ đồng. Trên báo cáo tài chính hợp nhất, khoản tiền phải nộp là 3.792 tỷ đồng, phải thu là 263 tỷ đồng. Sau đính chính, hai khoản này tăng tương ứng lên 4.240 tỷ đồng và 279 tỷ đồng.
Riêng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp, sau đính chính là 3.525 tỷ đồng trong khi con số trước khi đính chính là 3.123 tỷ đồng. Đáng lưu ý, các báo cáo này đều đã được kiểm toán ngày 9/4/2018 nhưng đến nay Habeco mới công bố đính chính.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2018 diễn ra hôm 28/6, Habeco đặt mục tiêu doanh thu 8.895 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2017, tuy nhiên kế hoạch lợi nhuận sau thuế tăng 23% lên mức 811,4 tỷ đồng. HĐQT Habeco cũng trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 20%.
Về phương hướng kinh doanh năm 2018, Habeco sẽ phát triển sản phẩm Bia Hà Nội 335ml thay thế chai 450ml. Lý do là trong năm 2017, sản lượng bán bia chai Hà Nội 450ml liên tục suy giảm vì dung tích lớn, giá bình dân, thương hiệu truyền thống, lợi nhuận không hấp dẫn đối với nhà phân phối.
Thắng, thua phụ thuộc bí quyết marketing
Hiện tại, Habeco chiếm khoảng 15% thị phần tính theo sản lượng bia. Để đạt được sản lượng kế hoạch là 496,3 triệu lít bia, tăng khoảng 20 triệu lít so với năm 2017, sản phẩm mới và hệ thống tiêu thụ được xem là khâu đột phá để Habeco lội ngược dòng.
Trên thực tế, cơ hội để Habeco lội ngược dòng được các chuyên gia cho là có, nhưng sẽ gặp nhiều thách thức. Theo đánh giá của chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, thắng thua trong ngành bia phụ thuộc vào bí quyết marketing, chứ không hẳn do vấn đề tài chính, công thức sản phẩm. Các doanh nghiệp giành giật thị phần ở cả kênh truyền thông lẫn nhà hàng, quán nhậu, nhưng hơn nhau ở việc định vị đúng phân khúc, xây dựng thương hiệu đúng đẳng cấp khách hàng.
Tuy nhiên, đối đầu với các thương hiệu mạnh đến từ nước ngoài như Heineken và Carlsberg, hay giờ đây do nước ngoài nắm chi phối như Sabeco, Habeco bị ràng buộc bởi cơ chế hoạt động là một doanh nghiệp nhà nước, chắc chắn sẽ khó khăn trong việc đưa ra một cơ chế đột phá.
Trong quý II/2018, Habeco đạt 2.912 tỷ đồng doanh thu thuần và có lợi nhuận kế toán trước thuế 269,6 tỷ đồng (giảm gần 2% so với quý II/2017). Lợi nhuận sau thuế đạt 214,7 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, Habeco có 412,9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và có lãi sau thuế 325 tỷ đồng (tăng hơn 3,7%). Với kết quả này, đến 30/6/2018, Habeco có 565,6 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.