Hà Nội đang lấy lại sức hút mạnh mẽ với nhà đầu tư với tổng số 71 dự án có tổng vốn hơn 400.000 tỷ đồng được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại hội nghị về thu hút đầu tư của hành phố tổ chức cuối tuần qua.
Hà Nội cũng đã đạt kết quả tốt nhất trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây, với 11 dự án có tổng vốn đầu tư hơn 130.000 tỷ đồng được trao chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Nở rộ dự án nghìn tỷ đồng
Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã có bước đột phá trong kế hoạch đầu tư vào Hà Nội khi được cấp phép đầu tư dự án khu đô thị thành phố thông minh có tổng vốn đầu tư 94.349 tỷ đồng.
Ngoài ra, tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cũng được cấp phép đầu tư dự án Trung tâm thương mại Lotte Mall có tổng vốn đầu tư 13.407 tỷ đồng. Dự án trung tâm thương mại này nằm trong khu đô thị Ciputra và được Lotte mua lại sau khi chủ đầu tư cũ đã hoàn thành xây dựng phần hầm nhưng dừng lại và để “đắp chiếu” nhiều năm liền.
Công ty Nidec Mô tơ Việt Nam đầu tư dự án nhà máy sản xuất mô tơ và thiết bị điện tử có tổng vốn đầu tư 4.550 tỷ đồng và nhà máy bia Heineken điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 4.800 tỷ đồng.
Hai dự án hiếm hoi liên quan đến môi trường cũng được chấp thuận chủ trương đầu tư là Dự án xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn do công ty CP Tập đoàn T&T và Tập đoàn Hitachi Zosen Corp (Nhật Bản) đầu tư với số vốn 2.050 tỷ đồng và dự án nhà máy xử lý rác thải đô thị thành năng lượng tại Khu xử lý rác thải Xuân Sơn do công ty TNHH Indovin Power đầu tư với số vốn 1.366 tỷ đồng.
Các dự án được cấp phép hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đợt này trải rộng trên nhiều lĩnh vực như giao thông, môi trường, công nghiệp – thương mại – dịch vụ – du lịch – vui chơi giải trí, thể thao, nhà ở, khu đô thị và giáo dục đào tạo.
90% vốn vào bất động sản
Theo thống kê sơ bộ, trong số các dự án mới được trao giấy chứng nhận đầu tư và chấp thuận chủ trương đầu tư, BĐS vẫn là lĩnh vực có sức hút lớn nhất, tới 350.000 tỷ đồng, tương đương với 90% trong tổng số 400.000 tỷ đồng được cấp phép hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư vào Hà Nội.
Ngoài dự án của tập đoàn Sumitomo, còn có những dự án có vốn đầu tư lớn chưa từng có, như Dự án khu đô thị Tây Mỗ – Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm do công ty CP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Đô thị Tây Hà Nội đầu tư với số vốn 80.000 tỷ đồng.
Dự án Khu đô thị Gia Lâm, huyện Gia Lâm do công ty TNHH đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm đầu tư với số vốn 87.385 tỷ đồng.
Chỉ ít ngày trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị Gia Lâm có tổng diện tích 420ha tại các xã Dương Xá, Kiêu Kỵ, Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Quy mô dân số của dự án lên đến 89.500 người.
Trong khi đó, khu đô thị Tây Mỗ – Đại Mỗ tại quận Nam Từ Liêm được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích đất nghiên cứu lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khoảng 280ha, dân số quy hoạch dự kiến khoảng 80.000 người.
Từ đây sẽ hình thành các siêu đô thị hiện đại quy mô lớn chưa từng có ở phía Bắc, phía Đông và phía Tây của Thủ đô.
Ngoài ra, những dự án đô thị lớn cũng đã bắt đầu khởi động dọc trục Nhật Tân – Nội Bài. Trong đó, đáng kể nhất là dự án thành phố thông minh do tập đoàn BRG liên doanh với Sumitomo phát triển trên diện tích 271ha với số vốn đầu tư lên đến 4 tỷ USD, được vay bằng vốn của các ngân hàng nước ngoài.
Gần sân bay Nội Bài còn có dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công viên phần mềm tại xã Nguyên Khê, Tiên Dương và thị trấn Đông Anh do Tập đoàn Vingroup đầu tư với số vốn 7.873 tỷ đồng.
Theo quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài mới được Hà Nội phê duyệt, khu công viên phần mềm có diện tích khoảng 79ha, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ có khoảng 19.557 cán bộ, chuyên gia làm việc tại đây.