Khảo sát 30 ngân hàng thương mại ngày 3/3 cho thấy, hàng loạt ngân hàng đã có những thay đổi trong biểu lãi suất trong tháng này. So với đầu tháng 2/2020, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại các ngân hàng đã giảm 0,05 điểm phần trăm.
Đồng loạt hạ lãi suất huy động
Lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên dao động trong khoảng từ 6,8-8,5%/năm. Nhóm ngân hàng áp dụng lãi suất cao có thể kể đến SCB, Eximbank, NCB, ABBank, lần lượt chi trả lãi suất lên tới 8,55%/năm, 8,4%/năm, 8,3%/năm cho các khoản tiền gửi 13 tháng, 15 tháng và 18 tháng.
Một số ngân hàng khác như VietBank, OCB, Kienlongbank và Sacombank cùng niêm yết lãi suất cao nhất ở mức 8%/năm.
Một số ngân hàng có mức lãi suất trong tháng 2 ở mức trên 8%/năm, thì sang tháng 3 đã giảm xuống dưới 8%/năm. Chẳng hạn, so với tháng 2, BacABank đã điều chỉnh giảm lãi suất 0,1%, đứng ở mức 7,9%/năm đối với các kỳ hạn 13 tháng trở lên.
Tuy nhiên, ở 4 ngân hàng có vốn nhà nước (Agribank, Vietcombank, Vietinbank và Agribank), mức lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên không có sự thay đổi và vẫn đứng ở top cuối, niêm yết 6,8%/năm.
So với tháng 2/2020, mức lãi suất gửi tiết kiệm của kỳ hạn dưới 6 tháng của các ngân hàng được giữ tương đối ổn định. Hầu hết huy động ở mức trần là 5%/năm, duy chỉ có một số ngân hàng thương mại niêm yết thấp hơn từ 0,1 – 0,2 điểm phần trăm như ABBank, VietCapitalBank, PVcombank, SHB và 4 “ông lớn” ngân hàng có vốn nhà nước.
Chẳng hạn, SHB, Agribank, ABBank, Vietcombank, VietinBank, BIDV đều niêm yết ở mức 4,8%/năm; VietcapitalBank ở mức 4,9%/năm; Techcombank là 4,85%/năm, TPBank: 4,95%/năm.
Có thể thấy, ở kỳ hạn dưới 6 tháng, mức lãi suất huy động giữa các ngân hàng có vốn nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần có sự chênh lệch không đáng kể. Tuy nhiên, ở kỳ hạn 6 tháng, sự chênh lệch lên tới 2,3%/năm. Ví dụ, NCB niêm yết 7,6%/năm, còn khối ngân hàng quốc doanh đều ở mức 5,3%/năm.
Nếu so với mức lãi suất cao nhất kỳ hạn 6 tháng trong tháng 2/2020, lãi suất huy động kỳ hạn này đã giảm 0,1 điểm phần trăm.
Đáng lưu ý, trong số 30 ngân hàng khảo sát, duy nhất có Techcombank điều chỉnh giảm lãi suất ở tất cả kỳ hạn gửi từ 0,05 – 0,1 điểm phần trăm đối với cả hình thức gửi tiết kiệm online và tại quầy so với đầu tháng 2/2020; các ngân hàng khác chỉ điều chỉnh ở một vài kỳ hạn.
Tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay
Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố giúp các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Trước hết là do dòng tiền quay trở lại ngay sau Tết khiến thanh khoản của các nhà băng dồi dào hơn so với thời điểm trước Tết. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế giảm sau khi dịch Covid-19 bùng phát.
Phát biểu tại Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết theo quy luật từ sau Tết Nguyên đán, mức tăng trưởng tín dụng chưa nhanh, cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì tín dụng chưa hẳn đã tăng cao, thanh khoản của các tổ chức tín dụng còn khá dồi dào.
Thanh khoản dồi dào hơn đã khiến một số nhà băng có xu hướng điều chỉnh giảm lãi suất huy động trở lại sau khi tăng khá mạnh hồi cuối năm trước. Diễn biến này không nằm ngoài dự báo của giới chuyên môn. Theo Ts. Nguyễn Trí Hiếu, hiện vẫn đang tồn tại một quy luật “cuối năm rút tiền, đầu năm gửi tiền” và quy luật đó cũng phần nào chi phối hoạt động của các nhà băng.
“Thanh khoản của hệ thống ngân hàng thường dồi dào hơn sau Tết. Khi đó, tình hình lãi suất trong nước sẽ tạm ổn định”, ông Hiếu phân tích.
Một diễn biến khác cũng cho thấy, hiện nay, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các ngân hàng tung hàng loạt gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, giảm 1% so với mức lãi suất thông thường. Vì vậy, các ngân hàng không còn dư địa để tăng lãi suất huy động trong bối cảnh hiện tại.
Trong các báo cáo phân tích thị trường của một số công ty chứng khoán vừa công bố cũng đưa ra nhận định với bối cảnh hiện nay, lãi suất huy động các tháng tới có thể được duy trì ổn định ở mức hiện tại, thậm chí có thể giảm.
Với diễn biến lạm phát năm nay được đánh giá là phức tạp, khó lường, việc hạ lãi suất huy động, theo nhiều chuyên gia, là cần thiết để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp. Với người gửi tiền, mức lãi suất tiết kiệm hiện đã giảm tương đối mạnh so hồi cuối năm ngoái, tuy nhiên, do lạm phát năm nay được đánh giá có thể tăng lên 4% thì các khoản tiền gửi vẫn đang có lãi.
Thanh Hoa