Doanh nghiệp cần các giải pháp hỗ trợ đồng bộ
Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một doanh nghiệp niêm yết cho biết, gói hỗ trợ kép của Chính phủ được các doanh nghiệp ghi nhận và xem đó là một sự chia sẻ cần thiết trong giai đoạn khó khăn vì dịch, nhưng cần có thời gian để gói hỗ trợ “thẩm thấu” đến doanh nghiệp.
Gói 250.000 tỷ đồng là tổng dư nợ hiện tại của các ngân hàng thương mại hỗ trợ cho doanh nghiệp ảnh hưởng bị dịch bệnh thông qua các hình thức như tái cấu trúc khoản vay, giảm lãi, phí.
Hành động hỗ trợ từ phía ngân hàng sẽ giúp giảm áp lực đối với các doanh nghiệp khi hầu hết gặp phải tình trạng ngưng trệ sản xuất do nguồn cung bị cắt đứt, trong khi vẫn phải gánh các chi phí trả lương nhân viên, chi phí lãi và các loại phí duy trì hoạt động khác.
Ðặc biệt, đối với các doanh nghiệp niêm yết có sử dụng nguồn vốn đi vay lớn, các biện pháp hỗ trợ này giúp doanh nghiệp giảm được một lượng thâm hụt đáng kể cũng như giảm thiểu được những đánh giá tiêu cực về khả năng thanh toán.
Mặt khác, hỗ trợ các khoản vay hiện tại còn tác động tích cực lên chính hệ thống ngân hàng.
Với việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, các ngân hàng sẽ tránh được việc phải ghi nhận thêm nhiều khoản nợ xấu trong ngắn hạn – yếu tố khiến cho các chỉ tiêu đánh giá của cổ phiếu ngân hàng xấu đi đáng kể.
Tuy nhiên, theo vị tổng giám đốc trên, việc được giãn nợ thêm một thời gian giúp doanh nghiệp tìm các biện pháp xoay xở, nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn, trong khi chưa lường trước được dịch bệnh bao giờ mới được kiểm soát. Còn việc giảm lãi, phía ngân hàng chưa có động thái cụ thể.
“Nhiều hợp đồng vay vốn của chúng tôi đang có mức lãi suất 10,5 – 11%/năm, hiện chưa có ngay động thái giảm lãi từ phía ngân hàng. Bản thân các doanh nghiệp là đối tượng cần vốn, nên cũng có những cái khó trong việc công khai các ngân hàng để từ đó xin các ưu đãi giảm lãi”, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ và kỳ vọng, ngoài các gói kích thích kinh tế có giới hạn, Nhà nước sẽ có thêm những biện pháp như giảm thuế, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các thị trường mới…
Ông Nguyễn Quang Tín, Giám đốc Tài chính, Tổng công ty cổ phần Ðầu tư phát triển xây dựng (DIG) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần có giải pháp mạnh mẽ về chính sách tín dụng, điều này nên thực hiện sớm như một “liều thuốc bổ” cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch.
Với gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, Nhà nước mong muốn ngành ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp, nhưng bản thân các ngân hàng phải khỏe thì mới “cứu” được doanh nghiệp.
Ông Tín cho biết, Singapore đã có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về dòng tiền như được hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp (hiện ở mức 25%), tối đa là 15.000 đô la Singapore cho mỗi công ty, hay các chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ tiếp cận vốn lưu động trong vòng một năm, nhằm tăng lượng tiền mặt cho doanh nghiệp.
Ðây là những biện pháp rất thực tế và cần thiết, nếu Việt Nam sớm nghiên cứu thực hiện thì sẽ hỗ trợ lớn cho các doanh nghiệp.
Ðối với DIG, mức vay của doanh nghiệp đang ở ngưỡng 1.000 tỷ đồng, so với vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng thì tỷ lệ vay nợ không cao, nhưng doanh nghiệp có mảng kinh doanh bất động sản du lịch nên bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
“Tôi cho rằng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phải đồng bộ, ngân hàng cũng cần sự hỗ trợ. Khi các chủ thể đều được hỗ trợ thì mới có thể cứu doanh nghiệp, điều này có thể thực hiện như ưu đãi thuế, giảm thuế, để cùng nhau vượt qua khó khăn”, ông Tín nói.
Từng doanh nghiệp, ngành nghề có mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng đều là thiệt hại về doanh thu, lợi nhuận.
Ở thời điểm này, điều các doanh nghiệp mong muốn là được hỗ trợ, kích thích về dòng tiền, nhằm giúp các doanh nghiệp ít nhất là giữ được người lao động, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng cắt giảm lao động vì quá khó khăn.
Hàng không, du lịch hay giao thông vận tải…, mỗi ngành đều có những khó khăn, vướng mắc riêng, nên chăng khoanh vùng các doanh nghiệp để tìm những biện pháp hỗ trợ như được hoàn thuế, được hỗ trợ ngân sách…
Nhà nước nên tăng cường hoạt động đầu tư công để tạo động lực tăng trưởng
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc Tế Việt Nam nhìn nhận, hai gói hỗ trợ vừa qua của Chính phủ là một liều oxy cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế đang rất khó khăn hiện tại.
Các gói hỗ trợ sẽ tập trung vào việc giãn nợ, tạm dừng thu các khoản thuế như giá trị gia tăng, giảm các loại thuế, phí cho doanh nghiệp và một phần dành cho các gói tín dụng đặc biệt cho những ngành nghề cần hỗ trợ đặc biệt.
Các quốc gia hiện nay đều đưa ra các gói cứu trợ kinh tế khác nhau, Việt Nam cũng nằm trong xu hướng đó và có thể về dài hạn cần thêm nhiều gói hỗ trợ bổ sung.
Tình hình chung hiện nay là nền kinh tế đang chững lại với tổng cầu giảm mạnh do hạn chế chi tiêu vì lo ngại dịch bệnh.
Vì vậy, ngoài các biện pháp kích cầu, Nhà nước nên tăng cường hoạt động đầu tư công để tạo động lực tăng trưởng.
Tính đến thời điểm hiện tại, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều đã triển khai gói kích cầu, theo từng cách khác nhau, nhằm đối phó với dịch Covid-19.
Việt Nam có thể không là ngoại lệ, cho dù Chính phủ chưa hạ mục tiêu tăng trưởng GDP và Ngân hàng Nhà nước chưa xem xét gói kích cầu.
Cùng với nền kinh tế, thị trường chứng khoán đã và đang chịu tác động mạnh bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chỉ số chứng khoán giảm gần 30% kể từ đầu năm, khối nhà đầu tư nước ngoài liên tục có động thái bán ròng…
Một yếu tố lớn đang chi phối tâm lý nhiều nhà đầu tư, đó là tình trạng bán tháo đang diễn ra trên khắp các sàn chứng khoán thế giới.
Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ và một số thị trường lớn khác phải sử dụng công cụ “ngắt mạch”, tạm ngưng giao dịch.
Với thị trường chứng khoán Việt Nam, nếu tình trạng bán tháo tiếp diễn thì cũng không ngoại trừ khả năng phải sử dụng biện pháp như vậy, để phần nào hạn chế thiệt hại cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp khi giá trị vốn hóa “bốc hơi” từng ngày.
“Dù chưa thể định lượng cụ thể và chính xác sự ảnh hưởng của dịch tới tăng trưởng kinh tế trong quý I/2020 cũng như 6 tháng đầu năm, nhưng các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy nền kinh tế, từ đó tác động tích cực đến thị trường chứng khoán là điều giới đầu tư đang kỳ vọng sớm được triển khai, nhất là trong bối cảnh không biết khi nào dịch Covid-19 mới kết thúc”, ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán nêu quan điểm.
Hoàng Anh