CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI)
Phiên 6/7, VN-Index đóng cửa còn 899,4 điểm, tương tương mất 1,7% và VN30-Index giảm 17,12 điểm (-1,9%) còn 883,77 điểm, dưới sự kéo giảm của MBB, VCB, HPG, STB, MWG, SAB, VNM, GAS, CTG, VJC, PLX. Trong tình trạng tương tự, HNX-Index và HNX30-Index mất lần lượt 3,6% và 3,89% do ACB, SHB và PVS. GTGD có cải thiện hơn đạt gần 4.200 tỷ đồng trên cả 2 sàn.
Giá các hợp đồng tương lai (HĐTL) giảm mạnh từ 24,4 – 32,0 điểm và đóng cửa thấp hơn đáng kể so với chỉ số cơ sở. Giá HĐTL các kỳ hạn khác nhau kết thúc phiên ở mức xấp xỉ ngang nhau, riêng HĐTL F1809 giảm mạnh nhất 32 điểm về còn 862 điểm, mức thấp nhất trong tất cả các HĐ và thấp hơn 21,77 điểm so với VN30-Index. Có thể thấy sự thận trọng rõ ràng của nhà đầu tư trên thị trường phái sinh (TTPS) khi giá các HĐTL tăng dè dặt nhưng giảm rất nhanh ngay khi chỉ số quay đầu giảm trong phiên.
Khối lượng giao dịch (KLGD) và khối lượng mở giảm nhẹ so với phiên 4/7 nhưng vẫn ở mức cao lần lượt là 141.874 HĐ và 14.632 HĐ. Giá trị hợp đồng giao dịch tương ứng đạt 12.454 tỷ đồng.
Chỉ số VN30 tăng điểm đầu phiên vượt nhẹ mốc 905 điểm nhưng KLGD ở mức khá thấp, cung tăng lên mạnh ở phiên chiều và chỉ số giảm trở lại với đóng cửa giảm 1,9%. KLGD ở mức gần 44,8 triệu đơn vị, tăng nhẹ so với phiên trước và thấp hơn trung bình 20 phiên. Stochastic Oscillator đi sâu vào vùng quá bán, đồng thời chỉ số VN30 có sự phục hồi nhẹ vào cuối phiên lên trên mốc 881 điểm cho một tín hiệu lạc quan cuối cùng nếu mốc này tiếp tục được giữ vững vào phiên giao dịch cuối tuần.
CTCP Chứng khoán BIDV (BSC)
Dường như sự nỗ lực giảm bớt tâm lý tiêu cực và kìm hãm đà giảm không mấy khả thi đối với các chỉ số VN30 và VN-Index. Quan sát VN30, sự giằng co trong phiên sáng và rung lắc mạnh trong phiên chiều 5/7 đã đủ thấy độ biến động tăng rõ rệt. VN30 hiện nằm ở mức gần thấp nhất trong khoảng hỗ trợ đã đề cập những báo cáo gần đây 883-900.
Mặc dù đã gần như rơi vào vùng quá bán, tuy nhiên độ mạnh của trend giảm lại tăng lên so với những phiên trước. Tâm lý cực kỳ tiêu cực của thị trường kèm theo những tin không mấy tốt đẹp từ kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới như tỷ giá VND/USD tăng, GDP quý II giảm, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục áp thuế lên sản phẩm thương mại vào ngày 6/7,… Bộ phận phái sinh cho rằng, trước mắt rủi ro còn rất lớn và “chưa thấy tương lai”, có thể vẫn sẽ xuất hiện 1 vài phiên xanh nhưng không hy vọng.
Phiên giao dịch 6/7 có thể sẽ không thoát khỏi sự tiêu cực, may mắn hơn VN30 có thể sẽ tiếp tục rung lắc vì vẫn nằm trong vùng hỗ trợ cho đến khi phá thủng 883. Trong trường hợp tiếp tục xuất hiện lực cầu đỡ như phiên ATC ngày 5/6, vẫn có thể thấy xuất hiện mức tăng nhẹ vào phiên sáng, sau đó với tâm lý thấy giá xanh để “thoát hàng sửa sai” thì rất có thể diễn biến khó lường.
Theo đà tiêu cực mở đầu phiên mai áp lực vị thế Bán có thể vẫn còn lớn. Tuy nhiên các chỉ báo các khung thời gian lại có sự đối lập, bỏ qua độ nhiễu của khung thời gian nhỏ thì dường như phiên sáng mai các HĐTL khả năng sẽ đi ngang cùng VN30 và gây khó khăn cho các nhà đầu tư quyết định mở và đóng vị thế trong khoảng thời gian ngắn.
Mở mới vị thế Bán khi giá giảm xuống dưới 863, chốt lời khi chạm 856.5 và theo dõi tiếp xu hướng hoặc đóng vị thế khi có lãi hợp lý với quan điểm cá nhân.
Trong trường hợp thị trường tích cực, mở mới vị thế Mua khi thoát khỏi vùng 872-877.
Các ngưỡng kháng cự cần lưu ý là 871, 877, 882. Các ngưỡng hỗ trợ cần lưu ý là 863, 856. (Các ngưỡng kháng cự/hỗ trợ nói trên được đề cập dựa theo HĐTL 1807, đây là những điểm nên theo dõi để mở/ đóng vị thế hợp lý).