CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI)
Cả thị trường gặp áp lực bán giá thấp và các chỉ số giao dịch dưới tham chiếu trong suốt thời gian giao dịch phiên 26/6. Các cổ phiếu vốn hóa trụ cột và các mã ngân hàng như VNM, GAS, BVH, SAB, BID, CTG, HPG kéo giảm các chỉ số trên HOSE.
VN-Index giảm 0,76% về còn 983,02 điểm, VN30-Index giảm 0,83% về còn 973,9 điểm. Việc thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ và Châu Á vẫn diễn biến không tích cực đã tác động đến TTCK Việt Nam sau tín hiệu cầu yếu đi từ phiên chiều hôm qua. Tuy nhiên, các chỉ số cũng đã hồi phục đáng kể từ mức thấp nhất trong ngày. Thanh khoản vẫn duy trì mức khiêm tốn, khoảng 4.000 tỷ đồng trên cả 2 sàn.
Theo diễn biến đó, giá hợp đồng tương lai (HĐTL) cũng giảm điểm và đóng cửa ở mức thấp hơn chỉ số cơ sở. HĐTL F1807 giảm ít nhất, 5,2 điểm về còn 968 điểm. HĐTL F1812 giảm nhiều nhất, 11,9 điểm về còn 970 điểm, chỉ cao hơn HĐTL đáo hạn gần nhất 2 điểm. Trong khi đó, HĐTL F1809 giảm 6,0 điểm và HĐTL F1808 đóng cửa tăng trần sau phiên giảm mạnh bất thường nhưng đều đóng cửa thấp hơn so với 2 HĐ còn lại. Điều này tạo lợi thế cho vị thế mua, tuy nhiên cũng có thể thấy rõ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư (NĐT) về xu hướng của thị trường. Đồ thị giá HĐTL có dạng lõm xuống dưới và hoàn toàn nằm dưới đường giá lý thuyết.
Khối lượng giao dịch (KLGD) tăng trở lại đạt 112.667 HĐTL trong khi khối lượng mở giảm còn 10.188 hợp đồng.
Chỉ số VN30 giảm khá mạnh và có sự hồi phục trong phiên nhưng đóng cửa vẫn giảm 0,83% về sát mốc hỗ trợ ngày 973 điểm. Áp lực bán không quá lớn nhưng cầu lại giảm mạnh khiến KLGD tiếp tục giảm về còn gần 24,3 triệu đơn vị, thấp hơn 10 triệu đơn vị so với phiên trước và 28 triệu đơn vị so với KLGD bình quân 20 phiên gần đây.
Chỉ số VN30 đóng cửa nằm nhẹ dưới đường trung bình động 200 ngày (SMA-200) và cung cầu có thể giằng co mạnh ở quanh mức này, đồng thời SSI Retail Research hạ mức hỗ trợ đảo chiều ngắn hạn trong phiên về mức 966 điểm cho phiên kế tiếp.
CTCP Chứng khoán MB (MBS)
Trái ngược với sự ảm đạm trên thị trường cơ sở, dòng tiền mạnh mẽ chảy vào phái sinh trong phiên 26/6 khiến giá trị giao dịch tăng mạnh đạt 10.809,3 tỷ đồng, thấp hơn 8,8% so với mức kỷ lục được xác lập vào thứ Tư tuần trước. Tổng thanh khoản tăng 33,5% đạt 112.667 hợp đồng được khớp lệnh trong phiên. Trong đó KLGD của hợp đồng tháng 7 tăng 32,2% đạt 109.981 hợp đồng, vẫn là hợp đồng được giao dịch nhiều nhất với tỷ trọng chiếm 97,5% toàn thị trường.
Về mặt giá trị chỉ số, nhìn chung các HĐTL đều có xu hướng giảm chỉ trừ hợp đồng tháng 8 tăng trần đạt 964 điểm. Đây là diễn biến hợp lý sau khi VN30F1808 giảm sốc về 901 điểm trong phiên ATC ngày 25/6. Chốt phiên, VN30F1807 giảm 0,53% về 968 điểm, hiện đang thấp hơn chỉ số cơ sở 5,9 điểm. Hai mã hợp đồng tháng 9 và tháng 12 giảm lần lượt 0,62% và 1,21% đạt 966 và 970 điểm. Theo đó basis của hai hợp đồng này đạt lần lượt 7,9 và 3,9 điểm.
Mức chênh lệch của hợp đồng tháng 8 và tháng 7 tăng lên 4 điểm. Mức spread (chênh lệch) thấp cá biệt dễ gây nhiễu chiến lược giao dịch sử dụng MA5 ngày spread hợp đồng tháng 8 trong một vài phiên giao dịch tới. Vì vậy nhà đầu tư nên chú ý theo dõi diễn biến spread hợp đồng tháng 8 một cách thận trọng.
Hiện tại, đường cong giá các hợp đồng tương lai đang bất ổn và vẫn chưa quay trở lại trạng thái thông thường là hoặc dốc lên, hoặc dốc xuống. Do đó, việc nắm giữ các vị thế spread qua ngày đang trở nên rủi ro hơn so với trước đây. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn có thể thực hiện giao dịch spread trong ngày.
Theo quan sát của MBS, trong thời gian giao dịch khớp lệnh, mức chênh lệch giá hai hợp đồng tháng 8 và tháng 7 dao động trong khoảng -6 đến 1 điểm. Do đó nhà đầu tư có thể thực hiện mở vị thế khi spread ở mức giá âm và chốt lời khi spread tăng lên lớn hơn hoặc bằng 0. Lưu ý, nhược điểm của giao dịch spread trong phiên là mức phí cho mỗi giao dịch sẽ cao hơn so với giao dịch một hợp đồng thông thường.
Trong phiên giao dịch tới, nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế Long spread hai hợp đồng tháng 8 và tháng 7 ở mức -5 đến -6 điểm. Chốt lời khi spread tăng lên 0 hoặc đạt giá trị dương.