CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI)
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam giảm trở lại trong phiên 21/6, giao dịch biến động phần lớn thời gian ở mức giá dưới tham chiếu. VN-Index giảm 1,18% về 969,4 điểm.
GAS, BID, VRE, VCB, CTG, VIC, ROS, PLX, MBB, BVH, SAB là các tác nhân chính khiến chỉ số giảm điểm, trong khi VNM và VJC tăng nhẹ. Tình trạng tương tự với VN30-Index, chỉ số đóng cửa giảm 1,15% về 955,75 điểm.
Thanh khoản tiếp tục giảm, chỉ đạt 3.600 tỷ đồng và NĐTNN mua ròng nhẹ trở lại là hai điểm đáng chú ý. Có thể thấy thị trường đang bị chi phối bởi yếu tố tâm lý, đa số nhà đầu tư đã chọn đứng ngoài quan sát
Giá các hợp đồng tương lai (HĐTL) cùng giảm theo TTCK cơ sở. HĐ F1806 đáo hạn phiên 21/6, đóng cửa giảm 7 điểm, thấp hơn 1,75 điểm so với mức đóng cửa của VN30-Index. Giá ba HĐTL còn lại đều giảm và thu hẹp khoảng cách với chỉ số, tạo lợi thế cho vị thế mua. Tuy nhiên, điều này phản ảnh sự thận trọng của nhà đầu tư vào xu hướng thị trường.
Thanh khoản thị trường phái sinh (TTPS) giảm nhưng vẫn ở mức cao, đạt KLGD 109.960 HĐ, tương ứng giá trị giao dịch là 10.450 tỷ đồng. Khối lượng mở giảm mạnh còn 7.288 HĐTL khi HĐTL F1806 đáo hạn. Điều này càng cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi hạn chế nắm giữ trạng thái qua phiên hôm sau.
HĐTL F1808 sẽ bắt đầu giao dịch từ ngày 22/6 với mức giá lý thuyết tham khảo 956 điểm, ngày đáo hạn là 16/8.
Khối lượng giao dịch cổ phiếu ở mức thấp, tiếp tục giảm so với phiên trước và thấp hơn so với bình quân 10 phiên. Sức cầu giảm ngoài dự kiến và nếu phiên kế tiếp chỉ số VN30 tiếp tục giữ vững được mốc 945 điểm, quan điểm phục hồi ngắn hạn vẫn được bảo lưu.
CTCP Chứng khoán MB (MBS)
Kết thúc phiên giao dịch 21/6, VN30F1806 đóng cửa ở mức 954 điểm, thấp hơn 1,75 điểm so với mức giá đóng cửa của VN30.
Trong khi đó, 3 hợp đồng còn lại đều bị bán, hợp đồng VN30F1807 giảm 1,68% xuống 942 điểm. Hợp đồng VN30F1809 và VN30F1812 lần lượt đóng cửa ở mức 950 điểm, giảm 1,56% và 961,9 điểm, giảm 2%.
Giá hợp đồng kỳ hạn tháng 7 đang thấp hơn 13,75 điểm so với mức giá hiện tại của chỉ số cơ sở VN30. Gía hợp đồng kỳ hạn tháng 9 thấp hơn 5,75 điểm và giá hợp đồng kỳ hạn tháng 12 chỉ cao hơn 6,15 điểm so với VN30.
Theo MBS, thị trường đang rơi vào trạng thái “Bù hoãn bán” (backwardation) trong ngắn hạn, khi giá hợp đồng tương lai đang được giao dịch thấp hơn mức giá giao ngay hiện tại.
Phiên giao dịch 22/6, hợp đồng VN30F1808 sẽ được đưa lên giao dịch, thay cho hợp đồng VN30F1806 đã đáo hạn. Mức giá lý thuyết cho hợp đồng VN30F1808 sẽ vào khoảng 966,6 điểm. Trong trạng thái “bù hoãn bán” như hiện nay, có nhiều khả năng hợp đồng VN30F1808 sẽ bị bán mạnh ngay từ đầu phiên.
Trong cả phiên giao dịch trước, hợp đồng kỳ hạn tháng 7 luôn được giao dịch với mức giá thấp hơn mức giá của hợp đồng kỳ hạn tháng 6. Tuy nhiên do 21/6 là ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng VN30F1806, nên những giao dịch spread (giao dịch chênh lệch) có liên quan tới hợp đồng này hiện tại đều không còn ý nghĩa.
Phiên giao dịch 22/6, hợp đồng tháng 7 sẽ trở thành hợp đồng có kỳ hạn gần nhất, đồng thời hợp đồng tháng 8 mới sẽ được đưa lên giao dịch. Khi đó, nhà đầu tư có thể xem xét giao dịch spread của hai hợp đồng kỳ hạn gần này, hoặc spread giữa hợp đồng kỳ hạn tháng 8 và hợp đồng kỳ hạn tháng 9.
Ngoài ra, theo nhận định của MBS, khi thị trường rơi vào trạng thái “bù hoãn bán” trong ngắn hạn, nếu chênh lệch của hai hợp đồng VN30F1808 và VN30F1807 ở mức âm hoặc thấp khoảng 1 điểm thì nhà đầu tư vẫn có thể cân nhắc mở vị thế Long Spread (mua chênh lệch) bằng cách mua hợp đồng VN30F1808 và bán hợp đồng VN30F1807, với kỳ vọng chốt lời khi chênh lệch của hai hợp đồng này mở rộng theo chiều hướng dương trở lại.