CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI)
Áp lực bán tăng dần về cuối phiên khiến thị trường không giữ được đà tăng trong sáng 10/7. VN-Index đóng cửa giảm 0,26% về mức 915,12 điểm và VN30-Index giảm mạnh hơn mức chung của thị trường, 0,76% về còn 898,73 điểm. Các cổ phiếu gây tác động giảm chỉ số nhiều nhất là HPG, VJC, VIC, VCB trong khi ngược lại, các cổ phiếu VNM, SBT, MBB, PLX, GAS nỗ lực nâng đỡ chỉ số. Mặc dù tăng mạnh phiên cuối tuần trước nhưng tâm lý thận trọng của NĐT vẫn hiện hữu do lo ngại vấn đề chiến tranh thương mại và khối ngoại tiếp tục bán ròng. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước, đạt tổng cộng chỉ hơn 3.200 tỷ đồng, giảm 25% trên cả hai sàn. Kết thúc phiên, P/E VN-Index ghi nhận mức 17,3 lần.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai (HĐTL) giảm trở lại với mức giảm mạnh hơn chỉ số cơ sở. Trong đó, 3 HĐTL kỳ hạn gần nhất có mức giảm từ 11 – 14,7 điểm, riêng HĐTL F1812 giảm 28,2 điểm về còn 889,8 điểm, quay trở lại mức dưới VN30-Index.
Thanh khoản giảm so với phiên trước nhưng vẫn ở mức cao, khối lượng giao dịch (KLGD) đạt 148.100 HĐTL, tương ứng giá trị giao dịch (GTGD) 13.410 tỷ đồng. Ngược lại, khối lượng mở tăng và đạt 14.289 HĐ.
CTCK BIDV (BSC)
Chỉ số VN30 tăng điểm trong hầu hết thời gian giao dịch nhưng KLGD không gia tăng và bất ngờ đảo chiều giảm vào cuối phiên. KLGD ở mức thấp gần 40,3 triệu đơn vị, giảm 18 triệu đơn vị so với phiên trước và thấp hơn trung bình khối lượng 20 phiên khoảng hơn 7 triệu đơn vị.
Stochastic Oscillator sau khi đi sâu vào vùng quá bán tiếp tục tăng hồi phục trở lại, đồng thời mức hỗ trợ đảo chiều xu hướng ngày tăng lên mức 892 điểm. Mặc dù giảm điểm nhưng khối lượng không lớn nên không quá lo ngại và xu hướng hồi phục ngắn hạn hiện tại chỉ bị bẻ gãy nếu mốc 892 bị phá vỡ với khối lượng cao.
Không thể vượt qua 919 do thanh khoản quá thấp và tâm lý tiêu cực vẫn làm nền chủ đạo của phiên giao dịch 9/7 và “bài ca” bán ròng từ khối ngoại tiếp tục diễn ra. Thị trường vẫn chưa thể thoát khỏi vùng rủi ro về cả mặt kỹ thuật, tâm lý cũng như ảnh hưởng xấu từ tình hình kinh tế thế giới. Về mặt kỹ thuật cho đến kết thúc phiên 9/7, MA50 chỉ cao hơn MA200 khoảng 1.6 điểm. Do đó, nếu tình trạng tiêu cực vẫn tiếp tục diễn ra, MA50 cắt xuống dưới MA200 thì đây không phải 1 tín hiệu vui cho chỉ số VN30. VN-Index cũng chung tình trạng tương tự dù khoảng cách giữa 2 đường trung bình có lớn hơn, ở mức khoảng 5 điểm.
Bộ phận Phái sinh BSC dự báo, phiên giao dịch 10/7, VN30 có thể rơi vào vùng hỗ trợ tâm lý 880-993. Còn phụ thuộc vào kết quả phiên 10/7, nếu tích cực, các phiên giao dịch tiếp theo sẽ rung lắc tại vùng hỗ trợ này.
BSC dự báo phiên 10/7 sẽ xuất hiện giằng co mạnh, bầu không khí tiêu cực vẫn còn bao trùm thị trường khi lực đỡ đã tỏ ra yếu rõ rệt vào phiên chiều 9/7. Thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ và rung lắc trong phiên sáng vùng từ 867-913. Sau đó cần theo dõi tín hiệu từ thị trờng cơ sở để đưa ra quyết định mở vị thế hợp lý. Xác suất 70% vị thế Bán có thể sẽ tiếp tục áp đảo.
Mở vị thế Bán khi giá HĐTL 1807 giảm xuống dưới vùng 880,1-876,3 điểm. Trong trường hợp tích cực, mở mới vị thế Mua khi HĐTL 1807 vượt qua điểm kháng cự 913.
Các ngưỡng kháng cự cần lưu ý 887,1, 894, 916,8. Các ngưỡng hỗ trợ cần lưu ý 880,1, 867, 857,5. Các ngưỡng kháng cự/hỗ trợ nói trên được đề cập dựa theo HĐTL 1807, đây là những điểm nên theo dõi để mở/ đóng vị thế hợp lý.