Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 26/7.
CTCK Bảo Việt – BVSC
VN-Index giảm 0,7% xuống 927,58 điểm. Áp lực giảm điểm có dấu hiệu gia tăng mạnh về cuối phiên là một tín hiệu không tốt đối với diễn biến của thị trường trong phiên kế tiếp.
Thanh khoản đạt 202 triệu cổ phiếu, tăng mạnh so với phiên trước đó và cao hơn đáng kể so với mặt bằng khối lượng bình quân 21 phiên.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm điểm tuy nhiên sự chênh lệch không nhiều. Thị trường đang có sự phân hóa khá rõ nét giữa các dòng cổ phiếu.
Dòng tiền đang có dấu hiệu chuyển dịch mạnh sang nhóm cổ phiếu đầu cơ. Trong khi, áp lực chốt lời lại tăng mạnh ở các nhóm cổ phiếu khác, đặc biệt là các cổ phiếu bluechips.
Sau khi vượt qua đường SMA20, chỉ số đang có xu hướng điều chỉnh tích lũy quanh đường trung bình này. Vùng hỗ trợ của chỉ số dự báo nằm tại 921-926 điểm trong một vài phiên kế tiếp.
Việc dải BB đang có chiều hướng thắt hẹp với tốc độ lớn thì chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục có diễn biến điều chỉnh tích lũy với các nhịp tăng giảm đan xen quanh đường SMA20 trong những phiên còn lại của tuần.
Mặc dù vậy, chúng tôi cũng lưu ý rằng, nếu chỉ số xuyên thủng vùng hỗ trợ 921- 926 điểm thì nhiều khả năng đường giá sẽ một lần nữa lùi về kiểm định vùng hỗ trợ quanh 900 điểm.
Nhà đầu tư nên ưu tiên các chiến lược trading ngắn hạn trong giai đoạn thị trường hiện tại. Hạn chế mua đuổi ở các mức giá cao trong các phiên tăng điểm.
Tỷ trọng danh mục tổng nên được khống chế ở mức tối đa 30-40% cổ phiếu.
Vùng kháng cự của chỉ số nằm tại 945-960 điểm và 980-1.000 điểm. Vùng hỗ trợ của chỉ số nằm tại 885-900 điểm và 800-820 điểm.
CTCK Phú Hưng – PHS
VN-Index có phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, chỉ số vẫn đang đóng cửa trên MA20, cho thấy xu hướng phục hồi ngắn hạn có thể là vẫn còn, đợt giảm điểm vừa qua có thể chỉ mang tính kỹ thuật nhằm củng cố cho xu hướng phục hồi bền vững hơn.
Không những vậy, các tín hiệu kỹ thuật khác, như MACD vẫn đang đi lên và nằm trên đường Signal cho thấy tín hiệu mua được duy trì.
Đồng thời, khối lượng giao dịch đang gia tăng mạnh và duy trì trên mức bình quân 10 và 20 phiên hàm ý dòng tiền vẫn ở lại thị trường. Do đó, chỉ số có thể sớm quay trở lại tiến lên thử thách ngưỡng kháng cự 947 điểm.
Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index có diễn biến tương tự. Mặc dù, chỉ số có phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp nhưng vẫn đóng cửa trên MA20, cho thấy xu hướng phục hồi ngắn hạn có thể vẫn là vẫn còn, đợt giảm điểm vừa qua có thể chỉ mang tính kỹ thuật.
Ngưỡng hỗ trợ cho đợt điều chỉnh kỹ thuật này có thể là vùng 102,9 điểm (MA20).
Nhìn chung, phiên giảm điểm ngày 25/7 có thể chỉ mang tính kỹ thuật nhằm củng cố cho xu hướng phục hồi ngắn hạn được bền vững hơn.
Do đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị, nhà đầu tư có thể cân nhắc tận dụng những nhịp điều chỉnh kỹ thuật để tái cơ cấu lại danh mục của mình hợp lý hơn.
Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS.
CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS
VN-Index giảm điểm trong phiên thứ hai liên tiếp, khối lượng khớp lệnh ở mức trên trung bình 20 phiên với 202 triệu cổ phiếu.
Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của chỉ số duy trì tích cực với ngưỡng hỗ trợ tại 925 điểm (MA10-20) và ngưỡng kháng cự tại 935 điểm (MA5).
Tín hiệu kỹ thuật trung hạn của chỉ số vẫn là tiêu cực với vùng kháng cự trong khoảng 960-1.040 điểm (MA50-100).
Về xu hướng dài hạn, VN-Index hiện vận động trong thị trường giá xuống (bear market) với ngưỡng kháng cự tại 1.000 điểm (MA200).
Dự báo, trong phiên giao dịch 26/7, VN-Index có thể hồi phục trở lại nếu test thành công ngưỡng hỗ trợ tại 925 điểm (MA10-20) và mục tiêu của phiên hồi phục này có thể là ngưỡng 935 điểm (MA5).