Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 12/4.
CTCK Bảo Việt – BVSC
VN-Index sụt giảm mạnh 2,59% xuống 1.167,11 điểm. Áp lực bán mạnh diễn ra trên diễn rộng đã khiến thị trường lao dốc nhanh và có dấu hiệu tăng dần về cuối phiên.
Đà giảm nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn trong phiên kế tiếp. Thanh khoản giảm nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình.
Độ rộng thị trường tiêu cực khi thị trường bị bao phủ gần như hoàn toàn bởi sắc đỏ. Diễn biến này cho tương quan cung cầu đang có sự chênh lệch lớn.
Dự báo cán cân cung cầu sẽ dần trở lại trạng thái cân bằng khi chỉ số lùi về vùng hỗ trợ 1.145-1.165 điểm. Chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm về vùng hỗ trợ 1.160-1.163 điểm trong phiên ngày mai.
Phản ứng hồi phục có thể xuất hiện tại đây khi nhiều cổ phiếu đã bị bán quá đà trong phiên giao dịch hôm nay.
Trong kịch bản thị trường hồi phục, chỉ số có thể kiểm định lại vùng kháng cự 1.175-1.180 điểm.
Mặc dù vậy, chúng tôi cũng lưu ý rằng, phản ứng hồi phục trong một vài phiên tới của chỉ số (nếu có) nhiều khả năng cũng chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật.
Kịch bản thị trường giảm về vùng hỗ trợ xâu hơn nằm tại 1.140-1.145 điểm cần được tính đến trong ngắn hạn. Nhà đầu tư nên tranh thủ nhịp hồi phục của thị trường để giảm tỷ trọng danh mục ngắn hạn về mức thấp.
Có thể xem xét giải ngân mang tính do đáy với tỷ trọng thấp khi chỉ số lùi về vùng hỗ trợ quanh 1.145 điểm.
Vùng kháng cự gần của chỉ số nằm tại 1.200-1.225 điểm và 1.250-1.270 điểm. Vùng hỗ trợ gần của chỉ số nằm tại 1.155-1.165 điểm và 1.135-1.145 điểm.
CTCK FPT – FPTS
Kỳ vọng hồi phục đã không xảy ra mà thay vào đó VN-Index biến động khá tiêu cực, phá vỡ hầu hết các tín hiệu xu hướng được tạo lập trong 02 tuần gần đây.
Chốt phiên 11/04, VN-Index giảm tới 31,01 điểm và lùi sâu về mốc 1.167,11 điểm. Mức giảm này đã khiến VN-Index đánh mất 02 ngưỡng hỗ trợ động là SMA 5 và 12 phiên.
Trên đồ thị EOD, nến giao dịch có dạng Bearish marubozu với phần thân nến khá lớn cho thấy đà giảm xuất hiện sau khi chỉ số tái lập không thành công ngưỡng 1.200 điểm và áp lực bán hoàn toàn kiểm soát diễn biến về cuối phiên.
Khối lượng giao dịch phiên hôm nay cũng được đẩy lên khá cao với hơn 245 triệu đơn vị cổ phiếu được khớp lệnh.
Trong bối cảnh chỉ số lao dốc và độ rộng thị trường nghiêng mạnh về số mã giảm giá thì mức thanh khoản cao hàm ý về áp lực bán tháo đã xuất hiện.
Việc chỉ số đồng thời phá vỡ các đường trung bình ngắn ngày quan trọng khiến cho rủi ro xu hướng ngắn hạn được kích hoạt trở lại.
Phân kỳ âm đã xuất hiện ở MACD trong khi RSI lùi sâu về vùng giá trị trung bình.
Phiên kế tiếp, VN-Index sẽ có cơ hội cân bằng trở lại nếu SMA 20 phát huy vai trò ngưỡng hỗ trợ xu hướng.
Trong trường hợp chỉ số tiếp tục đi xuống thì ngưỡng hỗ trợ mục tiêu sẽ là khu vực 1.120 điểm, tương ứng mức fibonacci hồi quy 61,8% tính cho nhịp tăng 9.90 đến 1.200 điểm.
Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS.
CTCK Phú Hưng – PHS
VN-Index có phiên giảm điểm mạnh xuống đóng cửa dưới ngưỡng đỉnh lịch sử 1.170 điểm. Khối lượng giao dịch tiếp tục gia tăng trên mức bình quân 10 và 20 phiên hàm ý áp lực chốt lời đang mạnh lên.
Không những vậy, xu hướng trong ngắn hạn của chỉ số đang có dấu hiệu điều chỉnh, khi chỉ số có phiên cắt xuống MA 20.
Bên cạnh đó, các tín hiệu kỹ thuật khác cũng cho những dấu hiệu tiêu cực nhất định, như MACD cắt xuống đường Signal phát đi tín hiệu bán và đường RSI đi xuống vùng 52 cho thấy áp lực điều chỉnh gia tăng.
Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của chỉ số có thể là vùng 1.110-1.126 điểm (MA20 và Fib 100).
Đối với sàn Hà Nội, HNX -ndex có diễn biến tương tự. Chỉ số có phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp và đi xuống đóng cửa dưới MA 20, kèm khối lượng giao dịch gia tăng cho thấy áp lực điều chỉnh ngắn hạn đang có tín hiệu quay trở lại, ngưỡng hỗ trợ tiếp theo có thể là ngưỡng 130,7 điểm.
Nhìn chung, phiên giảm điểm ngày 11/4 đang cho thấy xu hướng trong ngắn hạn của thị trường đang có dấu hiệu thay đổi, áp lực điều chỉnh về các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn đang gia tăng.
Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc hạ tỷ trọng danh mục về mức an toàn, nhằm hạn chế rủi ro ngắn hạn tại thời điểm hiện tại.