Tuần qua, chỉ số VN-Index đã xuyên thủng mốc 900 điểm, ngưỡng tâm lý rất quan trọng đối với thị trường. Cơ quan quản lý cũng đã lên tiếng trấn an thị trường, cùng với phiên hồi phục khá ấn tượng cuối tuần có giúp cho thị trường giao dịch tích cực hơn trong tuần tới không, theo các ông/bà?
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS
Thị trường đã có liên tiếp 4 tuần giảm điểm với mức giảm tương đối mạnh, thanh khoản trong giai đoạn này cũng chỉ ở mức trung bình thấp cho thấy, dòng tiền vẫn chưa thực sự quay trở lại thị trường.
Tuy nhiên, trên góc độ kỹ thuật, tôi nhận thấy VN-Index đã cho phản ứng khá tốt trong vùng hỗ trợ 890-900 điểm (đáy tháng 12/2017) trong 3 phiên cuối tuần để hồi phục nhằm lấy lại mốc 900 điểm. Do đó, tôi cho rằng, VN-Index sẽ hồi phục trong tuần kế tiếp với thanh khoản cũng sẽ có sự cải thiện.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Thị trường đã có phản ứng khá tốt sau khi đã bị nén mạnh về dưới ngưỡng 900 vào phiên cuối tuần. Thật ra từ ngày thứ Năm, một lượng tiền lớn đã đổ vào thị trường chỉ báo tín hiệu đảo chiều sắp diễn ra.
Thông điệp trấn an từ phía cơ quan quản lý cũng phần nào mang lại niềm tin cho nhà đầu tư và giúp hạ nhiệt bớt sự bi quan đang ngày càng nặng nề.
Với mặt bằng giá hiện tại, dĩ nhiên là nhiều cổ phiếu đang rẻ hơn so với đầu năm nhưng những mối lo về căng thẳng thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc và cả những chỉ báo vĩ mô quý II kém sắc là điểm cần lưu ý trong thời gian tới.
Về mặt kỹ thuật, thị trường có thể có những nhịp hồi phục ngắn nhưng nhà đầu tư vẫn cần cẩn trọng và chờ đợi những thông tin tích cực hơn hỗ trợ thị trường.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDIRECT
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, mốc hỗ trợ quanh mức 920 điểm được thiết lập vào cuối tháng 5/2018 là vô cùng quan trọng, bởi khi để vỡ mốc này thị trường chứng khoán Việt Nam có rủi ro bước sang thị trường con gấu. Do đó, khi để vỡ mốc hỗ trợ này tâm lý, thị trường khá bi quan và hành động bán bằng mọi giá để thoát khỏi thị trường đã xảy ra trong tuần qua.
Áp lực này đến từ việc mạnh lên của đồng USD, căng thằng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang khiến dòng tiền ngoại liên tiếp bán và rút tiền trên các thị trường cận biên và mới nổi trong suốt ba tháng qua nên có những tác động gián tiếp tới thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, bối cảnh vĩ mô của Việt Nam rất tốt với GDP tiếp tục tăng trưởng cao, tỷ gía, lãi suất, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát cùng với đó là động thái trấn an thị trường của Ngân hàng Nhà nước, UBCK và các quỹ đầu tưm nên theo quan sát của tôi, cách dòng tiền mua vào trong các phiên giao dịch cuối tuần qua phần nhiều là của các nhà đầu tư tổ chức.
Do đó, với diễn biến yếu đi của đồng USD trong vài phiên trở lại đây và có sự hồi phục của các thị trường chứng khoán quốc tế, cơ hội hồi phục tiếp diễn trong tuần tới là khá cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực khó dự báo như giai đoạn hiện tại, chủ yếu là đồng USD và rủi ro phá đáy 2016 của thị trường chứng khoán Trung Quốc, thì các đợt hồi phục chỉ mang tính tạm thời và tiềm ần nhiều rủi ro lớn cho cả điều hành vĩ mô lẫn TTCK.
Khá nhiều CTCK khuyến nghị nhà đầu tư nên kiên trì với chiến lược đứng ngoài quan sát, thậm chí hạ tỷ trọng cổ phiếu ở giai đoạn này. Trong khi đó, một số ý kiến khác lại cho rằng, sự điều chỉnh của thị trường trong gần 2 tháng qua đã giúp nhiều cổ phiếu đưa về một mặt bằng giá mới và vì vậy nhiều cổ phiếu có mức giá hấp dẫn để nhà đầu tư có thể tăng tích lũy. Quan điểm của ông/bà?
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS
Tín hiệu kỹ thuật trong ngắn, trung và dài hạn của thị trường hiện nay vẫn ở mức Tiêu cực, nên việc khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu ở mức an toàn (hoặc mức thấp) là hoàn toàn hợp lý.
Sự điều chỉnh của thị trường trong giai đoạn vừa qua cũng giúp cho nhiều cổ phiếu có mức giá hấp dẫn hơn nhiều so với giai đoạn đầu năm.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nên chờ đợi thêm để thị trường xác nhận đã chính thức tạo xong đáy và những yếu tố bên ngoài từ thị trường tài chính quốc tế bình ổn trở lại, khi đó việc tham gia sẽ có xác suất thành công cao hơn.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Trong một thị trường gấu, nhà đầu tư vẫn nên giữ tỷ trọng margin thấp nhưng việc đứng ngoài hoàn toàn là không cần thiết.
Thị trường hiện tại đã giảm gần 100 điểm so với thời điểm đầu năm. Nhiều cổ phiếu đang có mức định giá khá hấp dẫn mà trước đây nhiều nhà đầu tư mơ ước.
Vì vậy, với những doanh nghiệp có bệ đỡ tài chính vững mạnh, hệ thống khách hàng ổn định sẽ vẫn giữ nhịp tăng trưởng bất chấp yếu tố suy yếu chung của nền kinh tế sẽ được ưu tiên được giới đầu tư quan tâm.
Đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, đây là cơ hội để mua nhiều cổ phiếu giá rẻ như vậy có thể mang lại lợi nhuận khi các nhịp hồi phục quay lại.
Tuy nhiên, sẽ không có chuyện mua cổ phiếu nào cũng thắng trong giai đoạn này và nhà đầu tư phải luôn sẵn sàng thu hồi nhanh vốn nếu thị trường có dấu hiệu bất ổn trở lại.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDIRECT
Diễn biến thị trường trong 3 tháng qua là khá tiêu cực khi liên tiếp có các phiên giảm điểm rất mạnh và xuyên thủng hầu hết các hỗ trợ quan trọng. Số lượng cổ phiếu lớn có mức giảm 40-50% là rất nhiều gây ra rất nhiều thiệt hại cho nhà đầu tư ngắn hạn vốn quen với xu hướng tăng trưởng trong hai năm trước.
Do đó, khi xu hướng thị trường ngày càng thoái lui và rủi ro tăng thêm, thì việc giảm tỷ trọng và bảo vệ tài sản để sống sót luôn là quan trọng nhất bởi trong quá khứ, chúng ta đã chứng kiến những đợt giảm sâu kéo dài do tác động của khủng hoảng.
Tuy nhiên, rõ ràng, trong ngắn hạn, nền kinh tế Việt Nam vẫn tốt, các doanh nghiệp vẫn tăng trưởng nên nếu những lo ngại khủng hoảng mang tính quá đà và không xảy ra, thì khi tâm lý bình ổn trở lại TTCK Việt Nam sẽ bật tăng mạnh trở lại.
Do đó, đối với các nhà đầu tư trung hạn và có niềm tin vào đầu tư giá trị, thì đây là cơ hội lớn để mua vào, còn với các nhà đầu tư ngắn hạn nên kiên nhẫn chờ đợi cho tới khi thị trường bình ổn trở lại.
Sau một thời gian giao dịch lừng khừng, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán đồng loạt tăng và nhiều mã chạm trần ở phiên cuối tuần. Trong ngắn hạn, ông/bà đánh giá như thế nào về cơ hội cũng như rủi ro đối với nhóm này?
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS
Hai nhóm cổ phiếu nêu trên đã giảm mạnh trong thời gian qua và về mức giá khá hấp dẫn so với thời điểm đầu năm. Trên góc độ kỹ thuật, tôi nhận thấy phần lớn các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng đều đã giảm về gần các vùng hỗ trợ tương ứng với vùng tích lũy trong các năm trước đó nên rủi ro giảm sâu của nhóm này là không cao.
Nếu xét trên các yếu tố cơ bản, tình hình kinh doanh của nhóm này dự báo trong năm nay sẽ vẫn tăng trưởng nên nhà đầu tư có thể đưa vào danh mục quan tâm theo dõi cho mục tiêu dài hạn.
Về nhóm chứng khoán, mặc dù đã rơi mạnh, nhưng do đặc điểm hoạt động kinh doanh chịu nhiều tác động của diễn biến thị trường nên nhà đầu tư cần tiếp tục quan sát đối với nhóm này.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Kết quả quý II năm nay sẽ tiếp tục khả quan với nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng nhưng có thể sẽ không ở mức cao như quý I. Ngoài ra, việc hạ tăng trưởng tín dụng và một số động thái gần đây của NHNN siết lại các khoản cho vay bất động sản sẽ ảnh hưởng một số ngân hàng.
Về nhóm cổ phiếu chứng khoán, thì lợi nhuận quý II chắc chắn không thể khả quan bằng quý I khi doanh số môi giới ít hơn đi kèm với các khoản tự doanh cũng sẽ không mang lại lợi nhuận nhiều.
Nhìn tổng quan thì nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ có nhiều cơ hội đầu tư hơn nhóm cổ phiếu chứng khoán.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDIRECT
Theo tôi, việc các cổ phiếu ngân hàng có mức giảm rất mạnh trong ba tháng qua với mức giảm phổ biến từ 40-50% đã tạo ra sự hấp dẫn về mặt định giá và tâm lý bắt đáy. Nhìn chung, triển vọng cơ bản của nhóm ngành ngân hàng năm nay vẫn rất tốt với doanh thu, lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng, mức giá giảm càng làm định giá hấp dẫn hơn.
Trong khi đó, các cổ phiếu nhóm ngành chứng khoán cũng có diễn biến giảm tương tự với kết quả kinh doanh sẽ kém hơn, bởi lệ thuộc vào thanh khoản, triển vọng tăng của thị trường chứng khoán và kết quả của tự doanh với thực trạng trong giai đoạn hiện tại và cuối năm đang xấu đi.
Do đó, việc giảm sâu và hồi phục lại là điều hoàn toàn bình thường trong ngắn hạn, nhưng rõ ràng động lực tăng đang tới từ việc giảm sâu chứ không phải là một sóng tăng trưởng mới.
Nhóm ngành tài chính thường có mức biến động lớn hơn diễn biến của chỉ số, bởi nếu kinh tế tăng trưởng tốt, nhóm này sẽ có kết quả kinh doanh đột biến, nhưng nếu các rủi ro khủng hoảng xảy ra, nhóm này cũng bị tác động tiêu cực rất mạnh chịu những tổn thất nặng nề và định giá sẽ thay đổi nhanh chóng từ rẻ sang đắt.
Với những diễn biến khó lường từ thị trường tiền tệ và chứng khoán thế giới giai đoạn hiện tại, thì sự hồi phục ngắn hạn sẽ diễn ra nhanh và là cơ hội để tái cơ cấu lại danh mục đầu tư dự phòng cho các rủi ro có thể tiếp diễn từ thị trường tài chính quốc tế.