Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, cho biết tín dụng trên địa bàn năm tháng qua tăng trưởng 6,42% so với đầu năm và tăng 17,2% so với tháng 5-2017. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng chung 6,16% của toàn hệ thống ngân hàng theo ước tính của NHNN.
Vốn huy động tăng chậm
Đầu ra của vốn ngân hàng tại TPHCM vẫn khá tốt và có lẽ không phải là điều đáng lo ngại. Sự lo ngại, nếu có, nằm ở sự tăng trưởng vốn huy động khi mà chỉ tiêu này của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn chỉ ở mức 4,67% so với đầu năm. Do tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động vốn, nên tỷ lệ sử dụng vốn (tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động) hiện đã ở mức 89%. Năm 2015, tỷ lệ sử dụng vốn của các ngân hàng chỉ có 79%; năm 2016 là 83%; năm 2017 ở mức 86% và nay tới 89%. Có ngân hàng huy động vốn đang âm!
Theo ông Minh, có hai nguyên nhân tác động đến sự tăng trưởng vốn huy động. “Những năm trước tín dụng của các ngân hàng thường không tăng hoặc tăng trưởng âm trong một, hai tháng đầu năm, nhưng năm nay khác. Năm nay ghi nhận tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm. Thứ hai, các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản trong vòng sáu tháng qua rất “nóng”. Hai kênh này đã thu hút một lượng vốn đáng kể trong dân cư, khiến cho tiền gửi tiết kiệm vẫn tăng, song tăng chậm lại rõ rệt”, ông Minh nói.
Năm nay, định hướng tín dụng của NHNN là tăng trưởng 17% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ tiêu tín dụng mà cơ quan quản lý phê duyệt cho các ngân hàng, theo nguồn tin đáng tin cậy từ NHNN mà người viết có được, tối đa là 15% cho đến giờ phút này. Mức tín dụng phổ biến được NHNN phê duyệt là 13-15%, trong đó các ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh được 13-14%. Chỉ một số ngân hàng cổ phần có tổng tài sản thấp và dư nợ thấp được cấp hạn mức tín dụng 15%. Chưa biết từ nay đến cuối năm liệu NHNN có linh hoạt nới lỏng hạn mức tín dụng hay không.
Tín dụng ngân hàng, trên thực tế, vẫn đang là lực đẩy chủ đạo cho tăng trưởng kinh tế, nhưng nếu mở rộng tín dụng hơn nữa sẽ rất rủi ro. Hiện quy mô tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng đã vượt 6,5 triệu tỉ đồng theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay của NHNN không dễ dàng khi giá dầu thô, năng lượng diễn biến khó lường. Ảnh hưởng đến lạm phát sẽ không chỉ là cung tiền từ phía NHNN, mà còn từ vay nợ nước ngoài. Nợ nước ngoài là một nguồn vốn mà tác động của nó đến lạm phát cũng có độ trễ nhất định. Không thể nói là chúng ta lạc quan khi dư nợ nước ngoài của Việt Nam năm ngoái tăng đột biến tới 73% so với năm 2016.
Vay tiêu dùng đầu tư bất động sản?
Có một chỉ tiêu đáng quan tâm trong phát triển tín dụng vừa qua, đó là vay tiêu dùng để đầu tư bất động sản. Cơ cấu tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TPHCM năm 2016-2017 cho thấy khoảng 77-78% vốn được dành cho sản xuất, kinh doanh. Nhưng năm tháng qua, vốn dành cho sản xuất – kinh doanh tụt xuống 75%; vốn chảy vào bất động sản và cho vay tiêu dùng chiếm 25%. Trong 25% đó, cho vay bất động sản là 10,8%, cho vay tiêu dùng 14,2%, tăng 3% so với đầu năm. Theo số liệu của NHNN chi nhánh TPHCM, trong cho vay tiêu dùng, hơn 60% là cho vay cá nhân để mua nhà, xây nhà, sửa chữa nhà.
Hai điểm mà NHNN cần làm rõ bây giờ là đánh giá toàn diện, chính xác cho vay bất động sản trong cho vay tiêu dùng và lãi suất cho vay tiêu dùng. Cơ quan quản lý chỉ có thể ban hành và điều hành chính sách tiền tệ một cách phù hợp với thực tế một khi nắm rõ những diễn biến thực tế.
Hiện tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) là một kho dữ liệu mà ở đó các ngân hàng có quyền được biết, được tra cứu về việc vay tiền của khách hàng (cụ thể từng cá nhân, tổ chức) tại nhiều TCTD khác nhau. Do đó, việc kiểm tra, kiểm soát cho vay bất động sản trong cho vay tiêu dùng hoàn toàn có thể tiến hành từ phía NHNN.