Thực tế này đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp hữu hiệu để xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững và hợp pháp.
Yêu cầu từ khắt khe tính hợp pháp
Theo thống kê, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng trưởng đều trong những năm qua và đạt 8 tỷ USD vào năm 2017. Nếu như trước đây chỉ tập trung vào các thị trường trung chuyển như Đài Loan, Singapore… để tái xuất khẩu sang nước thứ ba, thì đến nay đồ gỗ Việt Nam đã xuất khẩu trực tiếp qua 120 nước và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu lớn trong thời gian qua là Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Việc xuất sang những nước phát triển góp phần làm gia tăng giá trị cho các sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam, song cũng đặt ra nhiều thách thức. Bởi hầu hết các quốc gia này đều ban hành các quy định về truy suất nguồn gốc gỗ đảm bảo 100% hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Như Australia ban hành luật cấm khai thác gỗ bất hợp pháp năm 2012. Nhật Bản ban hành đạo luật gỗ sạch có hiệu lực vào tháng 5-2017. Hàn Quốc ban hành luật sử dụng gỗ bền vững có hiệu lực từ tháng 3-2018. Đặc biệt là những quy định về gỗ hợp pháp của thị trường châu Âu.
Bà Axelle Nicaise, Đại diện lâm thời phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh: “Thị trường gỗ quốc tế liên tục phát triển và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chứng chỉ môi trường của các sản phẩm được mua”.
Điều này cũng được bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Tổng giám đốc CTCP Woodlands chia sẻ, nhiều nhà nhập khẩu châu Âu hiện đang quan ngại về vấn đề truy suất nguồn gốc gỗ, việc sử dụng hóa chất trong sản xuất, tính bền vững và đặc biệt là việc tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ của các DN sản xuất tại Việt Nam.
Trên thực tế Việt Nam và EU đã trải qua một thời gian dài kể từ khi bắt đầu đàm phán hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về FLEGT vào năm 2011, để đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU được sản xuất hợp pháp. Sau 6 năm đàm phán hai bên đã ký tắt hiệp định VPA/FLEGT và đang chuẩn bị ký chính thức vào cuối năm nay.
Với việc thực thi hiệp định VPA và việc bắt đầu cấp phép FLEGT, các DN Việt Nam sẽ có quyền tiếp cận trực tiếp vào thị trường EU mà không phải trải qua một quá trình kiểm tra tính hợp pháp rườm rà. Đây sẽ được xem là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với các nước không có một hiệp định VPA đầy đủ.
Nỗ lực của Việt Nam
Một trong những nỗ lực cần phải khẳng định chính là mô hình liên kết hợp tác giữa DN chế biến với các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ gia đình để hình thành các khu rừng trồng cung cấp gỗ. Và mô hình liên kết của Công ty Scansia Pacific là một trong những ví dụ tiêu biểu. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT công ty chia sẻ những kinh nghiệm của DN khi liên kết với các hộ nông dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cụ thể, từ tháng 6-2015, Scansia Pacific chính thức triển khai xây dựng vùng nguyên liệu tại tỉnh Thừa Thiên Huế, với việc hình thành nhóm hỗ trợ kỹ thuật của công ty ngay trên địa bàn tỉnh. Thông qua các cuộc tiếp xúc với các hộ dân có rừng trồng, công ty đã đưa ra được các chính sách tốt cho các hộ dân tham gia liên kết: Hỗ trợ chi phí để đánh giá và duy trì chứng chỉ FSC trên diện tích 5.000ha trên địa bàn tỉnh; cam kết thu mua gỗ keo có chứng chỉ FSC đường kính trên 13cm, cao hơn gỗ không có chứng chỉ tại cùng thời điểm từ 15-20% tùy theo chất lượng gỗ, và không ép giá khi có thiên tai, rủi ro ảnh hưởng đến rừng keo FSC.
Đối với các hộ dân có rừng keo FSC, khi gặp khó khăn về tài chính ở độ tuổi rừng từ 4-5 tuổi, quyết định tỉa thưa kéo dài tuổi thọ thêm 2-3 năm để nuôi cây lớn hơn, công ty sẽ hỗ trợ cho vay 4 triệu đồng/ha/năm với lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng thương mại tại thời điểm vay là 2%/năm.
Đặc biệt, vốn vay và lãi suất sẽ được trả lại cho công ty khi hộ dân đến kỳ khai thác bán gỗ. Công ty cũng thành lập ngay nhóm cán bộ hiện trường để trực tiếp hỗ trợ các hộ dân trong quá trình xây dựng và quản lý rừng trồng keo chứng chỉ FSC.
Ngoài Scansia Pacific, một số DN chế biến khác như Woodlands hay gỗ Nam Định cũng phát triển theo chiều hướng này. Cùng với sự linh hoạt của DN, ngành gỗ được may mắn hưởng được Chương trình 327-CT của Chính phủ về phủ xanh đồi trọc trong đó có cây gỗ keo, là loại gỗ dùng để chế biến nội thất xuất khẩu, đây là nguồn nguyên liệu hợp pháp từ rừng trồng. Cùng với đó là cây cao su. Sau thời gian khai thác mủ, cao su còn được dùng làm nguyên liệu cho sản xuất.
Dù cả Chính phủ và DN đều có những nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng có một thực tế vẫn cần được chỉ ra là chất lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước còn thấp do khai thác sớm ở tuổi non, gỗ có đường kính nhỏ. Nên dù số lượng gỗ khai thác từ rừng trồng lớn, nhưng số lượng dùng chế biến còn hạn chế. Và lẽ đương nhiên chúng ta vẫn phải nhập khẩu một khối lượng nguyên liệu nhất định.
Song các quốc gia bán nguyên liệu cho Việt Nam cũng đang có chính sách quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, xuất khẩu gỗ nguyên liệu. Những thách thức này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần có những chính sách hợp lý hơn để ngành gỗ Việt Nam có thể vững chân trong chuỗi giá trị toàn cầu.