Không chỉ có CTCP Hoá dược phẩm Mekophar (MKP – sàn HOSE), mà nhiều DN niêm yết khác trên TTCK cũng đang thực sự “dở khóc dở mếu” vì cách hiểu của cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) rằng, dù NĐT nước ngoài mua 0,1% hoặc 10% cổ phiếu của họ qua TTCK đều được coi là DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Với cách hiểu này, theo các chuyên gia, cơ quan ĐKKD đã “quên”nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật “con” hơn luật “cái”.
Là chuyên gia trong lĩnh vực soạn thảo chính sách về đầu tư và DN, một ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhìn nhận, cách hiểu dù NĐT nước ngoài mua 0,1% hay 10% cổ phiếu của bất kỳ DN nào đang niêm yết trên TTCK thì DN đó được coi là DN có vốn đầu tư nước ngoài của cơ quan ĐKKD là chưa chuẩn về nguyên tắc áp dụng luật, nếu chiểu theo quy định của pháp luật về đầu tư, DN và chứng khoán.
Chuyên gia phân tích, cơ quan ĐKKD đã “quên” nguyên tắc áp dụng luật là phải ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành, trong trường hợp của MKP là Luật Chứng khoán và các văn pháp liên quan, chứ không phải cứng nhắc áp dụng Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Cụ thể, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn, nhất là Nghị định 102/2010 thay thế Nghị định 139 hướng dẫn Luật Doanh nghiệp nêu rất rõ nguyên tắc áp dụng luật: trường hợp có sự khác nhau giữa các quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán về hồ sơ, trình tự, thủ tục và điều kiện thành lập, ĐKKD; về quyền tự chủ kinh doanh, cơ cấu lại DN…, thì áp dụng theo quy định của Luật Chứng khoán.
Trong khi đó, theo quy định của Luật này và các văn bản hướng dẫn liên quan, nhất là quy định tại Quyết định 55/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam, NĐT nước ngoài mua, bán chứng khoán trên TTCK được nắm giữ tối đa 49% tổng số cổ phiếu của công ty cổ phần đại chúng…
Với dẫn giải như vậy, vị chuyên gia cho rằng, không thể coi MKP, cũng như các DN niêm yết khác trên TTCK là DN có vốn đầu tư nước ngoài khi NĐT nước ngoài chỉ nắm giữ một tỷ lệ cổ phiếu được pháp luật Việt Nam cho phép sở hữu.
Việc cơ quan ĐKKD căn cứ cứng nhắc vào khái niệm “DN có vốn ĐTNN bao gồm DN do NĐT nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam; DN Việt Nam do NĐT nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại” trong Luật Đầu tư, để cho rằng MKP với hơn 4% cổ phần do NĐT nước ngoài nắm giữ là DN có vốn đầu tư nước ngoài, để làm căn cứ không cho đăng ký “bán buôn, bán lẻ dược phẩm” trong giấy phép kinh doanh theo danh mục quy định tại phụ lục 4, Quyết định 10/2007/QĐ-BTM ngày 21/5/2007 của Bộ Thương mại (cũ) là không thoả đáng.
“Với trường hợp của MKP, cũng như các DN niêm yết trên TTCK khác, cơ quan ĐKKD cần căn cứ vào Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn khác là ưu tiên cao nhất trong quá trình áp dụng luật, để giải quyết hồ sơ ĐKKD cho DN. Với biện pháp này, không cần ban hành mới hoặc sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành, mà vẫn tháo gỡ được khó khăn cho DN”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Ngay cả khi còn có nhiều ý kiến trái chiều về cách hiểu và áp dụng như thế nào là DN có vốn đầu tư nước ngoài, thì theo Tổng thư ký VAFI Nguyễn Hoàng Hải, một nguyên tắc tối kỵ trong áp dụng pháp luật là không được tạo ra sự phân biệt đối xử, dẫn đến bất bình đẳng giữa các DN có cùng ngành nghề kinh doanh.
Trong khi MKP không được phép bán buôn, bán lẻ dược phẩm nhập khẩu vì bị coi là DN có vốn đầu tư nước ngoài, thì rất nhiều DN dược đang niêm yết khác thậm chí có tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài gần kịch trần cho phép là 49% lại vẫn triển khai nghiệp vụ này. Đây là điều không bình thường.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Vân, Trưởng bộ phận Pháp chế, CTCK Bảo Việt, nếu vướng mắc của MKP cũng như nhiều DN niêm yết khác không sớm được tháo gỡ, thì gây bất lợi không chỉ cho DN niêm yết, mà cả NĐT nước ngoài và TTCK.
Thậm chí, có thể đẩy TTCK vào cuộc khủng hoảng mới, bởi ngoài MKP có ý định rút niêm yết để tránh gặp rắc rối do bị coi là DN có vốn đầu tư nước ngoài, không loại trừ các DN khác cũng có ý định tương tự.