Là một trong những mặt hàng xuất khẩu (XK) “tỷ đô”, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), hiện có tới 80% sản lượng chè sản xuất trong nước được XK tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Song rất ít người tiêu dùng nước ngoài biết đến thương hiệu chè Việt Nam. Lý do là phần lớn chè của Việt Nam được XK ở dạng thô, chưa được chế biến và gia công. Sau khi nhập về, các DN nước ngoài mới chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ và đưa ra thị trường.
Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), lượng chè xuất khẩu tháng 5/2018 của Việt Nam ước đạt 9 nghìn tấn với giá trị đạt 14 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu chè 5 tháng đầu năm 2018 ước đạt 44 nghìn tấn tương đương 68 triệu USD, giảm 12,3% về khối lượng và giảm 10,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Thực tế, từ năm 2004, Hiệp hội Chè Việt Nam đã được Chính phủ giao chủ trì triển khai Chương trình thương hiệu Quốc gia Chè Việt Nam, nhãn hiệu CheViet đã được đăng ký và bảo hộ ở 73 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng do không được triển khai triệt để nên chương trình gần như bị bỏ ngỏ.
XK dưới dạng thô, chưa chú trọng xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, nhiều sản phẩm bán ra thị trường thế giới phải thông qua các thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh của mặt hàng chè trên thị trường thế giới còn yếu và chịu nhiều thiệt thòi.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định, đây không phải là vấn đề mới và cũng không chỉ diễn ra đối với riêng mặt hàng chè. Thực tế cho thấy xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản Việt Nam nói chung và mặt hàng chè nói riêng vẫn nói nhiều hơn làm, dẫn đến tình trạng hàng nông sản Việt Nam không có thương hiệu hay ẩn dưới thương hiệu khác là phổ biến.
Không chỉ yếu trong việc xây dựng thương hiệu, công tác xúc tiến thương mại đối với mặt hàng chè nói riêng và nông sản nói chung của chúng ta cũng đang gặp vấn đề.
Ông Chu Xuân Ái – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Phát triển Công nghệ và Thương mại Tôn Vinh (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, đối với thị trường thế giới, công tác xúc tiến được làm trực diện, tuy nhiên, hiện tại các cơ quan xúc tiến thương mại của Việt Nam vẫn đang tiến hành làm gián tiếp. Cách đây 2-3 năm, cơ quan xúc tiến của Việt Nam đã bắt đầu đưa DN đến với thị trường trực tiếp của nước ngoài trong đó có thị trường Nga.
Các cuộc xúc tiến thương mại, công nghiệp giao thương tạo điều kiện để cho DN có thể tiếp cận được thị trường hiệu quả hơn. Các hội chợ giao thương chúng ta đã làm nhiều rồi, hoạt động xúc tiến gián tiếp có cần thiết nhưng chưa đem lại hiệu quả rõ rệt.
Có thể khẳng định, hiện nay, các nhà sản xuất chè Việt Nam vẫn được khách hàng quốc tế biết đến về khả năng cung cấp khối lượng lớn, giá rẻ và chất lượng XK trung bình. Thậm chí, nhiều sản phẩm chè Việt Nam bị đánh giá là thấp, do đó giá bán chỉ tương đương 50% so với giá chè trung bình của Srilanka và thấp hơn so với các nước khác có chè XK. Để thay đổi được hình ảnh này là một thách thức rất lớn đối với mỗi công ty sản xuất và XK, và đối với cả ngành chè Việt.
Cùng với việc nâng cao chất lượng, theo các chuyên gia lĩnh vực này, việc xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm chè đòi hỏi DN ngành chè cần phải có định hướng. Đối với DN XK sản phẩm thô, đóng gói bao lớn, chưa có thương hiệu sản phẩm thì nên tập trung vào thương hiệu DN, dưới góc độ là một đối tác chuyên nghiệp, thông thạo trên thị trường quốc tế, đảm bảo được độ tin cậy và khả năng cung ứng.
Còn với thương hiệu sản phẩm chè đóng gói, để có thể XK được chè thành phẩm, đóng trong bao bì nhỏ, có thương hiệu của DN Việt và phân phối được tới tay người tiêu dùng quốc tế thì đó là cả một chặng đường dài, cần rất nhiều nỗ lực và chi phí của DN XK và của toàn bộ chuỗi cung ứng chè.
Theo các chuyên gia, thương hiệu là yếu tố chủ yếu quyết định khách hàng mua sản phẩm. Thương hiệu không chỉ là tài sản của DN mà còn là tài sản của quốc gia. Việc xây dựng thương hiệu cần phải có thời gian và lộ trình để tích tụ năng lực và kinh nghiệm. Ngoài việc hỗ trợ từ phía Nhà nước, các bộ, ngành địa phương rất cần sự nỗ lực của mỗi DN.