Theo các diễn giả, chuẩn mực IFRS được áp dụng tại 166 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có đến 144 quốc gia và vùng lãnh thổ yêu cầu sử dụng cho toàn bộ hoặc hầu hết các công ty đại chúng.
IFRS đã là “ngôn ngữ” kế toán chung của quốc tế, nhưng chưa được sử dụng ở Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang áp dụng theo các chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS, ban hành dựa trên bộ chuẩn mực kế toán quốc tế từ đầu những năm 2000), chế độ và các quy định khác về kế toán.
Bộ chuẩn mực VAS có 26 chuẩn mực và sự thay đổi gần nhất cũng đã 13 năm, trong khi chuẩn mực IFRS cập nhập hàng năm.
Chính việc VAS khác biệt lớn với IFRS đã làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài khi đọc báo cáo tài chính của doanh nghiệp Việt Nam. Cũng có những doanh nghiệp tự nguyện lập báo cáo theo IFRS, nhưng con số này còn nhỏ (hơn 10 doanh nghiệp).
Thị trường Việt Nam được đánh giá là năng động, với quy mô dân số 100 triệu dân đang tạo nên sức hấp dẫn nhất định đối với dòng vốn ngoại, kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động M&A hơn nữa.
Tuy nhiên, quy mô giao dịch M&A Việt Nam vẫn còn tương đối nhỏ, quỹ lớn vào Việt Nam chưa nhiều, tỷ lệ thành công chưa cao và đàm phán về giá luôn là vấn đề vô cùng khó vì hai bên nội – ngoại khó tìm tiếng nói chung.
Ông Trần Hồng Kiên, Phó tổng giám đốc Dịch vụ kiểm toán, Công ty TNHH PwC Việt Nam cho rằng, một trong những định nghĩa theo chuẩn mực quốc tế về giá trị hợp lý là giá trị mà giữa các bên có hiểu biết, trao đổi một cách công bằng.
Vậy doanh nghiệp Việt Nam đã hiểu giá trị của chính mình hay chưa và nắm bắt được nhà đầu tư đang đánh giá mình như thế nào? Nếu các bên nói theo các ngôn ngữ khác nhau thì rất khó để đi đến một giá trị chung.
Đối với các quỹ đầu tư lớn, chuyên nghiệp, trước khi thực hiện M&A họ thường thực hiện Due Diligence (DD- rà soát đặc biệt) một cách cẩn trọng, bên cạnh việc rà soát về khả năng tăng trưởng, thị trường, quy định luật pháp Việt Nam… thì thông tin tài chính là điểm họ quan tâm nhất.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, nhưng công tác chuẩn bị lại rất thụ động.
Chẳng hạn, đề ra mục tiêu năm sau sẽ phát hành trái phiếu hoặc niêm yết ra nước ngoài thì năm nay mới bắt đầu làm báo cáo IFRS. Điều này có nghĩa là tạo áp lực cho chính mình trong thời gian ngắn phải áp dụng IFRS.
“Trong thời gian ngắn, doanh nghiệp sẽ không có khả năng phân tích thông tin theo chuẩn mực mới. Nhiều trường hợp, IFRS giúp nâng doanh nghiệp lên khi doanh nghiệp thực sự tốt và đang minh bạch, nhưng phản ứng ngược lại, nếu doanh nghiệp yếu kém cũng sẽ được phơi bày. Do vậy, doanh nghiệp cần có thời gian để đánh giá và thay đổi để hiệu quả hơn”, ông Kiên nói.
Có khá nhiều băn khoăn và thách thức khi doanh nghiệp Việt Nam muốn áp dụng IFRS. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc cổ phiếu ưu đãi, vậy sẽ ghi nhận vốn chủ hay khoản phải trả?
Các cách ghi nhận khác nhau sẽ khiến bức tranh tài chính tạo nên khác nhau. Hoặc về giá trị hợp lý, Luật Kế toán Việt Nam đã chấp nhận khái niệm giá trị hợp lý, nhưng thực tế, việc các doanh nghiệp lấy báo giá thì có phải là đã phản ánh thực sự giá trị hợp lý hay không?
Theo chuẩn mực quốc tế, tài sản ở thời điểm nào cũng đều xác định được giá trị hợp lý, chỉ có xác định bằng cách nào, độ tin cậy ra sao và cho rằng, sử dụng thông tin mà không ai hiểu thì phải thuyết minh bổ sung để đánh giá lại.
Đối với việc ghi nhận tổn thất tài sản, doanh nghiệp Việt Nam thường đầu tư 1 lần thì khấu hao 1 lần, trong khi đó có những tài sản giảm hoặc không còn giá trị, không sử dụng được vẫn treo trên bảng cân đối kế toán, thể hiện doanh nghiệp có tài sản.
Áp dụng chuẩn mực IFRS sẽ xử lý được vấn đề này, bởi theo IFRS, tài sản không sử dụng được thì phải ghi giảm giá trị tài sản ngay lập tức.
Ngược lại, tài sản cố định đã khấu hao hết nhưng vẫn tiếp tục sử dụng được, có giá trị lớn. Vậy bản thân việc xác định phân bổ đầu tư cho chu kỳ để thu lại lợi ích chưa công bằng.
Dĩ nhiên, việc áp dụng IFRS sẽ có những thách thức, cần sự quyết tâm của mỗi doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Ngoài ra, do IFRS cập nhật liên tục, nếu áp dụng thì phải có cơ chế để hỗ trợ cơ quan quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp để cập nhật được.
Tâm lý thông thường của các doanh nghiệp là việc này khó và chưa rõ lợi ích ở đâu, nên chưa tập trung tâm trí và nguồn lực nâng cấp báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế.
Tuy vậy, các diễn giả cho rằng, IFRS đúng là phức tạp, nhưng không khó đến mức không thể hiểu và không thể thay đổi. Việc áp dụng IFRS không chỉ vì tuân thủ, mà thực sự mang lại lợi cho doanh nghiệp khi muốn bước ra sân chơi lớn.