Sau 2 phiên hồi phục tốt do nhà đầu tư dự đoán tuyên bố tăng thuế của ông Trump chỉ là chiến thuật đàm phán, phố Wall đã gặp khó trong phiên thứ Ba và chính thức điều chỉnh trong phiên thứ Tư khi một lần nữa, nỗi lo về khả năng xảy ra chiến tranh thương mại được thắp trở lại.
Theo đó, ngày 6/3, ông Gary Cohn, cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump đã từ chức, động thái được cho là để phản đối kế hoạch tăng thuế nhập khẩu thép lên 25% và nhôm lên 10% của Tổng thống Mỹ.
Cuối tuần trước, phát ngôn viên của Nhà trắng cho biết, ông Trump dự kiến sẽ ký một cái gì đó vào cuối tuần, có khả năng là có trường hợp ngoại lệ với Canada và Mexico, có thể thêm một số quốc gia khác nữa.
Tuy nhiên, điều này càng khiến giới đầu tư lo lắng khi chính sách tăng thuế không được áp dụng cho mọi quốc gia.
Với những thông tin về tăng thuế nhập khẩu nhôm, thép, nhóm cổ phiếu sử dụng nhiều nguyên vật liệu này đã giảm khá mạnh như Boeing, Caterpillar, khiến Dow Jone điều chỉnh mạnh nhất trong phiên, dù đà giảm đã được hãm lại khá nhiều so với trước đó nhờ thông tin tích cực của thị trường lao động.
Cụ thể, báo cáo bảng lương trong lĩnh vực tư nhân (ADP) cho thấy, có thêm 235.000 việc làm trong tháng 2, cao hơn nhiều con số dự đoán 200.000 việc làm. Đây là dữ liệu quan trọng để giới đầu tư kỳ vọng bảng lương phi nông nghiệp được Bộ Lao động Mỹ công bố vào thứ Sáu này sẽ tích cực.
Trong khi đó, Nasdaq lại duy trì được đà tăng nhờ sự hỗ trợ của các cổ phiếu như Facebook, Autodesk.
Kết thúc phiên 7/3, chỉ số Dow Jones giảm 82,76 điểm (-0,33%), xuống 24.801,36 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,32 điểm (-0,05%), xuống 2.726,80 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 24,64 (+0,33%), lên 7.396,65 điểm.
Trong khi đó, dù có những khó khăn trong nửa đầu phiên giao dịch hôm thứ Tư, nhưng chứng khoán châu Âu sau đó đã đồng loạt tăng mạnh trở lại và đóng cửa với sắc xanh nhờ sự hỗ trợ của các cổ phiếu công nghệ, ô tô và thông tin về hoạt động M&A.
Kết thúc phiên 7/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 11,09 điểm (+0,16%), lên 7.157,84 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 131,49 điểm (+1,09%), lên 12.245,36 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 17,61 điểm (+0,34%), lên 5.187,83 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau phiên hồi phục mạnh trước đó, các thị trường chính trong khu vực đều đồng loạt quay đầu giảm điểm trở lại trong phiên thứ Tư khi nhà đầu tư phản ứng tiêu cực với thông tin cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chức được cho là để phản đối kế hoạch tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm của ông Trump.
Ngoài ra, cũng giống như các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ, các nhà đầu tư châu Á cũng lo ngại không rõ kế hoạch tăng thuế này của ông Trump có được triển khai hay không, bởi đang có nhiều luồng ý kiến trái chiều tại Washington.
Kết thúc phiên 7/3, chỉ ố Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 165,04 điểm (-0,77%), xuống 21.252,72 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 313,81 điểm (-1,03%), xuống 30.196,92 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 17,97 điểm (-0,55%), xuống 3.271,67 điểm.
Trên thị trường vàng, bất chấp đồng USD tiếp tục giảm trong phiên thứ Tư, nhưng giá vàng lại không duy trì được đà tăng, mà quay đầu giảm, trả lại hơn một nửa những gì đã có trong phiên trước đó do tác động của giá dầu thô giảm, cũng như thông tin tích cực của thị trường lao động Mỹ.
Kết thúc phiên 7/3, giá vàng giao ngay giảm 9,3 USD/ounce (-0,70%), xuống 1.324,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 7,6 USD/ounce (-0,57%), xuống 1.327,6 USD/ounce.
Giá dầu thô giảm mạnh trong phiên thứ Tư khi dữ liệu mới công bố cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh trong tuần trước.
Cụ thể, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu của Mỹ tuần trước tăng 2,4 triệu thùng, dù thấp hơn con số 2,7 triệu thùng theo dự báo của giới phân tích, nhưng tổng kho dự trữ đã tăng lên 425,91 triệu thùng, cao hơn mức trung bình 5 năm (420 triệu thùng).
Kết thúc phiên 7/3, giá dầu thô Mỹ giảm 1,23 USD (-2,00%), xuống 61,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,03 USD (-1,57%), xuống 64,51 USD/thùng.